lundi 4 février 2008

Các giai thoại thú vị về chuột


Nếu năm Bính Tý 1996 là năm Tý cuối cùng của thế kỷ 21 thì năm Mậu Tý 2008 được xem là năm Tý thứ nhất trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Cũng như mọi năm, trong 12 con giáp mỗi con lại có một số truyện tích để đề cập đến, như những chuyện lý thú đặc trưng có liên quan đến con giáp đó. Ở đây, chúng ta chỉ nhắc đến những chuyện kể có dính líu về chú chuột trong lịch sử, văn chương.

Nói về chủ đề “chú chuột và vụ án", trong Tam Quốc Chí có câu chuyện xử án của vua nhà Ngô là Tôn Lượng. Một hôm nhà vua thèm ăn mật ong, bèn sai viên thái giám đi lấy. Không ngờ khi nhà vua ngự thiện, mới phát hiện ra trong chén mật có viên phân chuột. Hỏi tên thái giám, gã tâu lỗi tại viên quan coi kho. Còn quan coi kho cho biết ông ta đã kiểm tra kỹ chén mật trước khi đem dâng vua. Vua Ngô bèn sai lấy dao cắt viên phân ra làm đôi. Xem xong vua nói: "Lỗi lại tên thái giám. Nếu viên phân chuột đã nằm lâu trong mật, thì từ trong ruột đến phía ngoài đều bị ướt. Nếu phân mới được bỏ vào thì chỉ ướt phía ngoài mà thôi". Nguyên là tên thái giám đang thù ghét viên quan coi kho, đã bỏ viên phân chuột vào chén mật để hại y. Nghe lời phán xử của nhà vua thông minh, hắn đành phải chịu tội.
Cũng trong truyện Tam Quốc, có đoạn đạo sĩ tên Tả Từ đã tiên báo về cái chết của một nhân vật kiệt xuất vào thời này, đó là Tào Tháo. Tả Từ nói: “Chuột đất theo cọp vàng, gian hùng hết số”, y nói rằng Tháo sẽ qua đời vào năm chuột, quả nhiên Tháo mất vào tháng Giêng năm Tý, tức năm Kiến An thứ 25 (năm 220). Chú chuột còn được nhắc tới ở cửa miệng một nhân vật danh tiếng khác đời Tam Quốc, đó là Quan Vũ. Vũ thường chửi quân Ngô là lũ chuột Giang Đông, với giọng điệu khinh miệt, kiêu căng. Quan Vũ là người em kết nghĩa của Lưu Bị, Vũ có võ nghệ tuyệt luân, nổi tiếng với kỳ tích Quá ngũ quan, trảm lục tướng (qua năm ải, chém sáu tướng) nhưng lại là người bản chất kiêu ngạo, mưu kế kém sâu xa. Trước ngày lên đường vào đất Thục, đất Kinh Châu được giao cho Quan Vũ trấn nhậm, Gia Cát Khổng Minh đã ân cần dặn dò Vũ: đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo. Nhưng do tính khí kiêu căng, coi thường Đông Ngô, cuối cùng Vũ bị trúng kế vào tay Lục Tốn, Lã Mông, những người bình nhật ông vẫn gọi là lũ chuột nhắt và bị chết.
Những ai từng xem phim Bao Công xử án trên truyền hình, thường thấy xuất hiện trong một số hồi các nhân vật hiệp khách là Ngũ Thử (5 con chuột), nổi bật nhất trong số đó là Cẩm mao Thử (con chuột lông đẹp) Bạch Ngọc Đường. Có Ngũ Thử thì cũng phải có mèo, đó là Ngự Miêu (con mèo của vua) Triển Chiêu, từ ngự miêu là tên của vua Tống Nhân Tông ban cho họ Triển. Những vị hiệp khách giang hồ này hay hành hiệp trượng nghĩa giúp Bao Công trong nhiều vụ án gay go vào thời nhà Bắc Tống. Trong tác phẩm Tây Du Ký, trong số các con yêu xuất hiện quấy nhiễu thầy trò Đường Tăng, Ngô Thừa Ân tiên sinh cũng cho hai con yêu chuột hiện diện. Con thứ nhất là yêu Hoàng Phong, nguyên là con chuột tu hành đắc đạo ở chân núi Linh Sơn, vì ăn trộm dầu trong chén lưu ly của Phật Tổ, sợ bị truy bắt nên đã trốn xuống trần gian. Con yêu này có biệt tài thổi ra trận gió vàng. Trận gió độc này khiến cho Tôn Hành Giả bị đau mắt, không còn trông thấy đường sá. Về sau, họ Tôn mời được Linh Cát bồ tát núi Tu Di đến thu phục yêu quái. Con yêu chuột thứ hai là một con chuột già ăn vụng hương hoa đuốc báu của Phật Tổ Như Lai ở Linh Sơn đã 300 năm. Nó có tên là Kim Tị Bạch mao lão thử tinh (yêu tinh chuột già mũi vàng lông trắng), vì ăn vụng hương hoa nên còn có tên là Bán Triệt Quan Âm; sau khi xuống hạ giới làm yêu, lại đổi tên lần nữa là Địa Dũng phu nhân. Con yêu này toan bắt Tam Tạng làm chồng ở Hãm Không Động (động không đáy). Về sau, nhờ hai cha con Thác Tháp thiên vương và Na Tra xuống trần giúp một tay mới bắt được yêu nữ.
Việt Nam cũng có chuyện yêu chuột, vua Lê Thánh Tôn từng sáng tác một truyện truyền kỳ nhan đề Tinh Chuột. Truyện kể một anh chàng con nhà giàu có mới cưới vợ. Vâng lời cha dạy, anh ta từ giã gia đình và vợ đi phương xa tìm thầy học hành. Người vợ ở nhà hết lòng phụng thờ bố mẹ chồng chẳng có điều gì đáng chê trách. Bỗng một đêm khuya, vợ thấy chồng trèo tường về. Vợ ngạc nhiên hỏi duyên cớ, người chồng trả lời là do nhớ vợ nên về thăm, lại ngại thầy mẹ không bằng lòng nên đợi đêm khuya lẻn về, đến gà gáy lại đi và dặn vợ giấu hộ. Người vợ tưởng thật, nên đêm ấy chung chăn gối cùng chồng. Cứ cách một đêm, anh chồng lại trở về như thế. Vợ sinh nghi, hỏi gặng, chồng đáp đã dời nhà trọ về gần nhà để đi lại cho tiện, vẫn giấu nhẹm không cho cha mẹ biết. Được nửa năm, người ngoài không ai hay biết chuyện những người vợ ngày một hao mòn nhan sắc, tựa như người đang ốm. Bố mẹ chồng cho là con dâu nhớ chồng nên sinh cớ sự, bèn viết thư cho con trai. Con nhận được thư xin phép thầy học về. Gặp lại vợ, chàng kể lể bao nỗi nhớ nhung những ngày xa cách. Chỉ thấy người im lặng, không nói năng. Chồng thấy thế giận dỗi, nói rằng vợ chắc có ngoại tình với ai khác nên mới có thái độ lạnh nhạt ấy. Vợ khóc lóc đáp: "Cũng vết đỏ trên cổ, mụn cơm ở trong tai. Không phải chàng thì ai? Tiếng nói như tiếng khánh, hai môi đỏ như son, không phải chàng thì ai?...". Rồi tả lại trang phục, quạt lụa, khăn hồng, những thứ chồng vẫn quen dùng mọi lần và đã mang theo mỗi buổi tối lén về thăm vợ, kể ra không thiếu chi tiết nào. Nói xong, uất ức khóc ầm lên. Bố mẹ chồng nghe thấy chuyện to tiếng đi vào, vợ bị chồng sỉ nhục không còn nghĩ đến điều xấu hổ nữa, thuật hết mọi chuyện và muốn tự vẫn. Nhà chồng vội cản lại, lấy lời an ủi khuyên giải, nàng mới thôi. Bố mẹ chồng nghi có yêu ma đến quấy phá, định bụng tìm cách trừ khử.
Qua một tháng, anh con trai lại đem người lão bộc đến nhà trọ cũ. Bấy giờ mẹ chồng dặn kín con dâu rằng: “Đêm nào nó đến, con nên giữ chặt lấy, kêu to lên để ta đến xem". Tới tối hôm thứ ba, ông bố ở nhà nghe tiếng kêu, gọi mọi người ập vào, bắt trói gian phu vào cây cột. Nhìn kỹ lại thì đúng là con mình, họ hàng cũng bảo rằng chẳng khác mảy may. Gia đình đến chỗ người chồng đang ở trọ bảo về nhà. Gia đình làng mạc mọi người nhìn rõ hai người trông giống như một, bèn đưa cả hai lên quan. Quan huyện không biết xét xử thế nào, phải đưa lên tỉnh. Quan tỉnh cũng chịu thua, việc phải đưa đến vua đích thân xử án. Vua sai thị vệ cởi áo ra xem, thấy bên trong các nốt ruồi, dấu vết đều giống nhau như đúc. Có người tâu rằng, ban ngày đưa ra nắng, ban đêm soi trước đèn, có bóng là người, không bóng là ma. Làm thử như vậy cũng không ăn thua. Vua nghĩ lung lắm, cuối cùng mới thắp hương nhờ Phù Đổng Thiên Vương giúp sức. Thiên Vương nhập vào con đồng, phán: "Ma này là giống tinh chuột. Lửa và bùa chú không hại được. Đời nhà Tống, từng có một con tương tự đã biến thành vua Nhân Tông giả, Bao Công tra án này cũng không làm gì được, mới tâu với Ngọc Hoàng thượng đế mượn Ngọc Diện Miêu (con mèo mặt ngọc) nó mới lộ bản trướng, bị mèo cắn chết. Nay ở Thiên đình kho sách rất nhiều, khó mượn được con mèo ấy. Ta sẽ dùng kiếm khí trừ con ma ấy cho bệ hạ''. Rồi bắt hai người ra giữa sân rồng, mặt quay vào nhau. Bỗng nhiên, mây mù đen nghịt, trong sân có một luồng khí sáng như chớp. Mây tan, thấy có một con chuột ngũ sắc, râu trắng, bốn chân huyền đề, nặng chừng ba mươi cân, bảy khiếu (hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng...), chảy máu đen, chết gục ở sân. Người còn lại vẫn bình thường. Chuột tinh bị đôt thây, tro vứt sông. Người vợ kia phải uống thuốc hơn một năm mới giải được cái độc tinh chuột.
Điều ít ai ngờ là con chuột còn có tên trong các vì sao nữa. Trong các vì sao thuộc Nhị Thập Bát Tú (28 vị sao) có sao Hư tượng trưng cho con chuột. Sao Hư Nhựt Thử (con chuột) mang ý nghĩa mọi công việc trong ngày đó đều không tốt:


Hư tinh tạo tác gặp tai ương
Ly tán gia đình kẻ một phương
Cưới gả hóa ra dâm loạn đảng
Cháu con trôi dạt thắm phong sương


Các nhà văn nước ta như Tô Hoài có sáng tác truyện O Chuột, Đào Trinh Nhất đã dịch truyện Trinh Thử là pho truyện thông ngôn gồm 850 câu lục bát, không rõ tác giả, được phổ biến ở nước ta từ thế kỷ thứ 13. Nhà văn Vũ Bằng, trong quyển Món lạ miền Nam, đã tường thuật món Sâm Thử (chuột nuôi bằng sâm) như sau: chuột mới đẻ đem nuôi trong lồng kính cho ăn toàn sâm hảo hạng và uống nước suối. Khi đẻ con, lấy những con đó nuôi riêng cũng theo cách thức trên cho sinh ra một lớp chuột mới, tuy nhiên đến đời chuột thứ ba, mới thực sự là "thập toàn đại bổ". Ăn loại chuột này được tin là có khả năng cải lão hoàn đồng, tráng dương bổ thận,với tất cả dược tính ưu việt của cây nhân sâm đã được y học Đông phương tôn là thần dược hàng đầu tự cổ chí kim trong trời đất. Không riêng gì Việt Nam, Từ Hi thái hậu nhà Thanh cũng đã từng chiêu đãi các sứ thần ngoại quốc trong Bát quốc liên quân bữa tiệc "Bát trân" nổi tiếng lịch sử đã được sử sách nhắc đến nhiều, trong đó có món chuột bao tử với những con chuột còn sống nhăn và đỏ hỏn, ăn sống chấm chung với mật ong. Tương truyền vợ chồng đại sứ Anh đã không có con từ nhiều năm, nhưng sau khi dùng xong món này, về sau hai ông bà đã có con nối dõi.


Theo Kiều Giang (Báo Công an TPHCM)

Aucun commentaire: