mardi 13 octobre 2009

Văn hóa uống chè của người Việt

Chủ Nhật, 20/07/2008 19:40

(TT&VH Online) - Một dạo, ở Hà Nội nở rộ các quán trà đạo Nhật Bản, rồi mấy quán trà Bát bảo quanh sân vận động Hàng Đẫy cũng hình thành nên “Bát bảo trà phố” (suốt dọc vỉa hè phố Cát Linh). Nhưng sau háo hức ban đầu với những thứ đồ uống “mác ngoại”, người ta lại trở về với chén chè Việt theo thói quen vào mỗi buổi sáng ở gia đình, nơi công sở, hay những quán cóc vỉa hè...
Theo các nghiên cứu về sinh vật học, Việt Nam là một trong những quê hương của cây chè trên thế giới. Ở vùng núi cao Hà Giang vẫn còn những cây chè cổ thụ mà người ta gọi là “thủy tổ” của loài chè (!?). Có lẽ, cũng bởi thế, lâu nay, người Việt Nam luôn tự hào với công phu tẩm ướp, pha chè (trà) và thưởng thức chè.

Chè hương - loại chè ướp hương của các loài hoa, đặc biệt là hoa sen, hoa nhài là thứ chè mà người Việt ưa dùng nhất. Chè sen được sử dụng phổ biến từ lâu ở VN. Người HN cũng tự hào lắm lắm với thứ chè được ướp sen Tây Hồ một cách cầu kỳ và nhẫn nại. Cũng có một thứ chè khác: chè mạn. Tuy không ướp hương, nhưng loại chè này lại đặc trưng về sự tinh tế trong cách thưởng thức với những tiêu chuẩn phức tạp về chè, nước pha, ấm uống, cách pha… Chè tươi vốn là thức uống cổ xưa và phổ biến của người Việt. Dùng lá chè tươi, vò nhẹ và cho vào nồi nấu, sau đó thưởng thức bằng bát sành bên bếp lửa. Cách uống này chè tươi này có lẽ chỉ còn trong sách vở, nhưng cho đến giờ, chè tươi - với nhiều hữu ích cho sức khỏe - cũng đang dần trở lại với đời sống người nông thôn, thành thị, đến cả công sở, hay một góc vỉa hè…
Theo tác giả Vũ Thế Long, riêng với chè tươi, người Việt mỗi vùng lại có cách uống khác nhau: “Vùng núi Bá Thước - Thanh Hoá, đồng bào Mường uống chè tươi theo kiểu chọn những lá chè già, có gai, lá giòn xanh bóng bỏ vào cối giã nát rồi hãm với nước sôi uống nóng. Một vài nơi ở Hà Tĩnh thì người ta hái cả cành chè gồm có ngọn chè và cả thân chè rồi bẻ nhỏ, vò nát bỏ vào nấu trong ấm đất. Sáng dậy đi làm đồng, nhiều thợ cày chỉ làm vài bát nước chè tươi đặc nóng, hút điếu thuốc lào và ăn một vài củ khoai lang là no đến tận trưa. Người dân Huế thì lại chặt nhỏ cả cành lẫn thân chè phơi cho khô rồi đun nước uống dần. Từ nước cốt đầu tiên, người ta cứ pha thêm nước lã cho loãng dần và uống tiếp. Người Hà Nội cũng uống chè tươi. Không rõ lối uống chè tươi ở Hà Nội có xuất xứ từ đâu nhưng nước chè tươi là thứ nước uống của riêng một số gia đình và cũng là thứ uống bình dân ở các quán nước tại bến tàu, bến xe và bên vỉa hè…”. Cũng có người cho rằng, trước kia, chỉ cách nay chừng 50 – 60 năm, người Hà Nội còn chuộng một thứ nước uống khác: chè hạt. Chè hạt là nụ hoa chè phơi khô. Nước chè hạt màu nâu sáng hơi hồng, vị thanh, hơi chát…
Ướp trà sen
Không thể một lúc kể hết cái sự phong phú trong cách thưởng chè của người Việt. Vì hiện nay, chè Việt truyền thống đã biến tấu thành những chè túi, chè nhúng… đủ hương vị. Ngành công nghiệp chè đang trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế. Những vùng nguyên liệu chè khổng lồ, với hàng trăm ha vườn, đồi hình thành ở nhiều tỉnh, thành suốt dọc chiều dài đất nước. Hiệp hội Chè VN cho biết, trong các năm 2004, 2005, 2006, 2007, sản xuất và tiêu thụ chè xanh Việt Nam lần lượt đạt các mức tương ứng là 58, 68, 78 và 85 ngàn tấn, so với năm 2000 thì mức tăng trưởng hiện nay là 215%. Dự kiến đến năm 2010 sẽ đạt tổng mức 110 ngàn tấn/năm.
Không ít lần những lễ hội văn hóa chè được tổ chức ở nước ngoài để giới thiệu ra thế giới kiểu uống chè theo phong cách của người Việt. Nhưng đến giờ, không ít người trẻ vẫn mơ hồ lắm về văn hóa uống chè “made in Việt Nam” này.
“Ngày Chè Việt” (*) với lễ hội Ẩm thủy trà sẽ là cơ hội để bạn trẻ khám phá về nét văn hóa đậm chất Việt này. 100 chiếu chè sẽ được dựng ở vườn hoa Lý Thái Tổ - HN giới thiệu cách pha, uống chè và cũng để khẳng định rằng nghệ thuật pha chè, mời chè và uống chè là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt. Các nghệ nhân đến từ những “vựa” chè: Lâm Đồng, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai,... sẽ giới thiệu cách uống chè đặc trưng của mỗi vùng miền. Đặc biệt, danh trà Trường Xuân nổi tiếng đất Hà Thành cũng sẽ trình diễn cách pha trà ngay trước sự chứng kiến của quan khách.
Không phải ngẫu nhiên, BTC chọn một nơi linh thiêng, thành kính: Vườn hoa Lý Thái Tổ để tổ chức lễ hội này. Ông Kim Phong - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - trong áo the, khăn đóng, đi guốc mộc sẽ thành kính đọc chúc văn: “Đội ơn Đất Trời/ cả vạn năm về trước/ đã cho nước Việt cây chè xanh tốt/ đội ơn Tổ Tiên/ cả ngàn năm qua/ đã dậy con dân Việt truyền nối nghề chè/ nhờ có chè mà có cơm có áo, có cửa có nhà/ chè đâu chỉ là thức uống thông thường/ chè còn là thứ thuốc dưỡng sinh/ là một nguồn của cải làm giầu/ chè phủ xanh cả vùng đồi núi/ cho môi trường trong sạch bền lâu. Theo sử sách/ thời Lý Thái Tổ chè đã trở thành đồ uống trong dân dã và cả trong cung đình/ nghi thức uống chè đã hình thành và dần hoàn thiện suốt cả ngàn năm. Chè Việt xưa được sào bằng tay/ mỗi lần vài rổ/ nay đã làm bằng máy mỗi mẻ cả ngàn cân/ xưa có chút chè để uống, để dâng cống/ nay đã có chè đem bán khắp cả địa cầu, thu về bạc tỷ/(Chuông trống, 3 tiếng)/ Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm vẫn dành đất trồng chè/ vẫn là nơi tụ hội các thương gia mưu lược thống lĩnh/ là nơi truyền bá văn hoá ẩm thuỷ chè/ là nơi mời khách ngoại quốc thưởng thức nước chè”.
“Ngày Chè Việt 2008” cũng được xác định là cuộc tập dượt cho một “đại lễ” của Chè: “Ngày Chè Việt ngàn năm” trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra vào năm 2010.
Chè Việt đã có mặt ở 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các Châu lục và đang đứng hàng thứ 5 trên thế giới cả về sản lượng và xuất khẩu. Việt Nam là một nước có hơn 80 triệu dân. Gần đây, thị trường nội địa được xác định là nguồn cầu góp phần phát triển sản xuất ngành chè trong nước. Sắp tới, Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ kết hợp với các ngành hữu quan tổ chức điều tra xã hội học về nhu cầu tiêu dùng chè xanh và các loại chè tương tự nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này và góp phần bảo vệ môi trường.
Hoàng Lê

Aucun commentaire: