mardi 13 octobre 2009

Chữ “Từ bi” trong tâm thức người Việt

Thứ Sáu, 23/05/2008 17:26


(TT&VH) -Lời dạy nổi tiếng của Đức Phật trong kinh điển: “ Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật ”là nguyên lí nhập thế rất căn bản của đạo Phật. Ở Việt Nam, học thuyết này đã chạm vào chữ “nhân ái” trong dòng chảy của tâm thức Việt từ rất sớm...

Giữ chức Trưởng ban Từ thiện – Xã hội của Thành Hội Phật giáo TP.HCM nhưng Hòa thượng Thích Như Niệm lắc đầu khi tôi ngỏ ý xin vài số liệu về hoạt động xã hội, từ thiện của Phật giáo. “ Cô tính “đếm” làm gì vậy?”. Phòng thuốc miễn phí ở chùa Pháp Hoa (quận Bình Thạnh), nơi thầy Như Niệm trụ trì mấy chục năm qua, nổi danh với cái tên Tuệ Tĩnh đường.


Thiền để có thêm lòng nhân ái giúp đời

Đến đây lúc nào cũng thấy đông người tới khám bệnh và nhận những thang thuốc nam miễn phí. Sân chùa thành nơi phơi thuốc. Ở phòng vật lý trị liệu, vị bác sĩ từ chối nêu tên, nói anh đã làm việc ngoài giờ ở đây cả chục năm nay. “ Chúng tôi có nhiều người, thay phiên nhau làm việc, tất cả là tình nguyện”, anh nói. Những sư thầy chuyên chú việc từ thiện xã hội như Hòa thượng Thích Như Niệm không hiếm. Và những Phật tử tình nguyện tham gia việc thiện như vị bác sĩ giấu tên kia cũng không hiếm trong đại gia đình 10 triệu Phật tử Việt Nam.

Không thể tính đếm được đã có bao nhiêu thân phận được hồi sinh bằng thiện tâm ở những nơi như chùa Bồ Đề (Hà Nội), chùa Kỳ Quang (TP.HCM), chùa Giác Hoa (Đồng Nai), chùa Diệu Đế (Thừa Thiên-Huế)... 5 năm qua, Tuệ Tĩnh đường đã được gây dựng ở nhiều nơi, nay đã có hệ thống 126 phòng khám trong cả nước, 150 tăng, ni được đào tạo để trở thành y tá, điều dưỡng cho hệ thống này. Hơn 1000 lớp học tình thương, gần 70 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, bảo trợ người già và dạy nghề miễn phí... đã được chính các tăng, ni trong Gíao hội tổ chức, duy trì với sự trợ sức của hàng triệu Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Các hoạt động cứu trợ thiên tai, giúp người nghèo mổ mắt, tặng xe lăn cho người khuyết tật, xây cầu, xây nhà tình thương... mà Gíao hội đã làm có kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Tất cả là từ chữ từ bi của nhà Phật và thiện tâm của Phật tử Việt Nam. Con đường nhập thế về mặt xã hội của Phật giáo Việt Nam không đơn thuần là sự chia sẻ miếng cơm manh áo cho những người nghèo khổ và gặp hoàn cảnh khó khăn mà hướng đến sự trợ giúp “ lâu dài và căn cơ” hơn cho họ.

Chừng bảy, tám chục cây cầu lớn nhỏ được sư thầy Như Niệm giúp xây ở Bến Tre, nơi người dân sống giữa sông rạch chằng chịt... chính là một trong những cách trợ giúp như vậy. Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương, trong chương trình hoạt động từ thiện nhiệm kỳ VI cũng kêu gọi tăng ni, Phật tử “ giúp người nghèo, nhất là người nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ổn định và phát triển cuộc sống lâu dài”.


Những đứa trẻ được nhà chùa cưu mang

Tháng Tư vừa qua, chùa Kỳ Quang II mở lớp dạy nghề làm hương (nhang) cho những thanh niên mới rời trung tâm cai nghiện ma túy về. Học nghề xong, họ được làm việc và thụ hưởng trọn vẹn thành quả lao động của chính mình. Câu lạc bộ dưỡng sinh cũng được mở ra ở đây, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, phục hồi sức khỏe, chống tái nghiện cho hàng chục thanh niên. Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Chiếu vừa lo cho hơn 220 em nhỏ mồ côi được nuôi dạy trong chùa, vừa gánh luôn việc điều hành những công việc mới này. CLB cùng một số chùa khác hiện là thành viên của Mạng lưới các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS tại TP.HCM, thường xuyên có các chương trình tư vấn, hỗ trợ thực phẩm, giới thiệu việc làm cho các gia đình có người nhiễm HIV, nhóm phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao...

Trong cả nước, đã có 6 tỉnh, thành Hội Phật giáo tham gia “ Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” về phòng chống HIV/AIDS với mô hình trung tâm tư vấn và hỗ trợ tương tự. Trong phương thức hành trì Phật pháp của người Việt, đối với mọi hệ phái, tụng niệm hai chữ “từ bi” không được coi trọng bằng thực hành nó. Đạo Phật, với chất liệu của lòng từ bi và tuệ giác, đã được các cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam truyền đạt vào đời sống tâm linh của Phật tử bằng lời dạy “phải phục vụ cho nhân sinh và xã hội”.

Sự hưởng ứng nhiệt thành của hàng triệu tăng, ni, Phật tử Việt Nam những năm qua trong hoạt động xã hội – từ thiện chính là đáp từ chân thành cho lời dạy này. Trong nhiều diễn đàn gần đây, thông điệp nhập thế về xã hội đã được các chức sắc Phật giáo, các học giả và nhà nghiên cứu bàn thảo từ nhiều góc độ, phương châm dấn thân và lối đi khác nhau.

Thi Cầm

Aucun commentaire: