Đã viết 30 tác phẩm (và 40 cuốn đứng tên chung) kể cả nghiên cứu địa bạ, địa chí, lịch sử đất đai VN, ông Nguyễn Đình Đầu sắp vào tuổi 90.
Ông trả lời phỏng vấn Báo Người Đô Thị trong chuyên đề “Nhận định bản sắc, phát triển tiềm năng”.
Vẫn tiếp tục các công trình quan trọng dù “những người quan tâm vấn đề tôi làm là rất ít” và “khá chắc là tôi không đủ thời gian hoàn thành được”.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà ở đường Thủ Khoa Huân – Sài Gòn của ông, trang trí bằng nhiều bản đồ địa lý cổ xưa nhất, để nghe chuyện về người Sài Gòn sau bao vật đổi sao dời.
Ai là người Sài Gòn
. Thưa ông, tại sao có sự tồn tại trái ngược trong tính cách Sài Gòn: giàu có, giỏi giao thương buôn bán mà lại thật thà tình cảm, trọng chữ tình?
- Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu: Nói thế là đúng đấy. Xã hội miền Nam có thị trường sớm nhất, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam. Giao thương, biết tiếng ngoại quốc nhiều hơn các nơi khác. Sau 50 năm, sản xuất thừa ba thứ: gạo, đường, muối, trong một đất nước trước kia làm đâu ăn đó, mất mùa, đói. Cơ sở của Việt Nam là làng (ta hay nói làng nước). Làng Bắc, Trung ở trong lũy tre. Miền Nam không có, vì địa lý không giống. Cởi mở, phóng khoáng, không khép kín. Vì đất mới khai phá, tranh đấu với thiên nhiên nên họ trọng nghĩa khí và linh đạo là vậy. Miền Nam có nhiều giáo phái: Cao Đài – Hòa Hảo, Phật giáo miền Tây, Đạo Lành... Về tâm linh cũng đặc sắc. Đi xa lập nghiệp nên phải đoàn kết từng nhà. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông... đi đường dài phải thuận. Vùng đất mới, lưu dân, phong phú về phương diện dân tộc, bản địa. Ngay khi Pháp chiếm cũng phải giữ phần nào văn minh người Nam, có luật riêng. Nam Bộ thuộc địa trong khi Bắc – Trung Bộ bảo hộ. Cho nên con người đặc sắc, nhiều tính chất.
. Theo góc độ nghiên cứu của ông, thì ai được coi là người Sài Gòn?
- 310 năm, Sài Gòn là đất mới. Có ai sinh trưởng ở Sài Gòn trước đó đâu. Đồng bằng sông Hồng sông Mã – cái nôi dân tộc Việt Nam. Các chúa Nguyễn Nam tiến cho tới 1698 bắt đầu Nam Kỳ một thực thể 6 tỉnh. Cách 200 năm, chỉ có 1 triệu người. Dân tộc bản địa phong phú. Nhiều người Hoa – những người Minh Hương chống nhà Thanh. Một số người Khơme, Chăm vùng Long Xuyên, Châu Đốc. Một ít người thiểu số. Vì thế nên miêu tả người Sài Gòn phải có đặc trưng nhiều giai đoạn.
Sài Gòn đô thị: Hình lõi sẽ giãn nở
. Thưa ông, người Sài Gòn – người đất mới mở cửa, dung nạp dễ, hòa đồng, vì sao có rất nhiều mối dây liên lạc hội đồng hương?
- Sài Gòn đông dân nhất. Cho đến 1945 là nhất Đông Dương. Nhưng con người Sài Gòn vẫn luôn giữ tinh thần nào đó hướng về quê cũ. Lúc chưa có công đoàn, họ đã có hội ái hữu nghề nghiệp. Ở Sài Gòn có lúc có tới 40-50 nghĩa trang đồng hương như miền Bắc, miền Trung, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ... Cụ Phan Chu Trinh cũng được chôn cất trong nghĩa trang một tỉnh. Kiểu như chùa Nghệ sĩ bây giờ cũng là tinh thần nghề nghiệp đó. Khi nghiên cứu tỉ mỉ về chỗ ở, nghề nghiệp, mới hiểu rõ về trọng nghĩa khinh tài, những đặc trưng văn hóa gốc gác, nghề nghiệp của người Sài Gòn.
. Phố xá xưa kia ra sao, thí dụ nơi ta đang ngồi ở đây, nhà ông, thuộc phường Bến Thành, quận 1. Người Sài Gòn xưa sinh sống ở đây thế nào?
- Ta đang ngồi là chỗ ở của người Chà (Ấn Độ), nay đi hết. Nhà này tôi sang lại của một người Ấn. Tất cả dãy Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân... cũng vậy, nên mới có chùa Bà Đen ở đường Trương Định. Các khu khác như phía trái Dinh Độc Lập người Pháp ở, gọi là trên đồi. Chợ cũ, đường Võ Di Nguy, chỗ Ngân hàng Nhà nước là người Hoa ở. Những người cùng tôn giáo ở xóm đạo Tân Định, Huyện Sỹ... Rồi những xóm chùa.
Xưa Sài Gòn chỉ có 70 km2 gồm Sài Gòn – Chợ Lớn. Còn Gia Định đã là nhà quê. Phân biệt người kẻ chợ – người nhà quê khá rõ ràng. Hồi đầu tiên là Bến Nghé. Còn Sài Gòn là Chợ Lớn. Trên bộ từ biển Cần Giờ lên tới đây mới có nước ngọt. Quận 8, Nhà Bè – Cần Giờ không có nước ngọt mà có thủy triều lên. Ông cha ta tìm ra Sài Gòn thật đặc biệt. Vừa cửa sông vừa cửa biển, tàu thuyền quốc tế vào được, không như sông Hồng.
Người thành thị văn minh, có điện nước, sách vở báo chí, học hành, ăn mặc ảnh hưởng Tây phương. Bây giờ Sài Gòn đã rộng tới 2.000 km2, dân từ 500 ngàn nay đã 7-8 triệu người. Dần dần cái hình lõi đô thị sẽ giãn nở, mở rộng. Hôm qua tôi xem truyền hình VTV6 nói bảo tồn văn hóa ngoại thành. Tôi nói thật: Sẽ không còn cái kiểu người nhà quê ngồi chồm hổm, vì ai cũng có ghế. Có những thứ người ta không sản xuất nữa. Một cái tivi thì nội thành cũng coi như ngoại thành. Mì gói cũng ăn như nhau. Hình lõi đô thị sẽ mở rộng.
Sài Gòn - cái gì xấu cái gì tốt?
. Vậy ông nghĩ sao khi có người nói: TP Hồ Chí Minh, thành phố nông thôn?
- Cái đó tất nhiên. Trước 1975 thôi, chạy xe hai bánh chấp hành luật lệ tốt. Cảnh sát cũng kinh nghiệm hơn. Nhiều người hiểu sai tưởng làm cách mạng là thay đổi xả láng phá cả luật lệ. Thời Pháp, cảnh sát ít, nhưng làm việc đúng nghĩa. Tôi sống thời đó biết: không có ngày nào cảnh sát không đi lại 2-3 lần. Nay chả thấy ông nào. Lắm ông cảnh sát khu vực đi ăn sáng lâu hơn người khác. Ai cần, ông bảo đi họp, bố ai dám hỏi. Dần quen thành nếp. Giá trị trật tự – xã hội sau 1975 thay đổi nhiều chiều hướng tốt, một số chiều hướng xấu đi.
. Cái gì xấu đi?
- Cái tôi vừa nói. Tổ chức cai trị đô thị chưa đúng mức. Thí dụ chuyện điện. Từ thời cách mạng mới có chuyện lúc nào muốn có thì có, không thì thôi. Không biết ai trách nhiệm. Thời thực dân đế quốc đấy nhưng khi cắt điện phải báo, bất thình lình thì bồi thường thiệt hại. Đây, chị bước ra đây tôi chỉ cho thấy một chi tiết nhỏ (ông mở cửa ra ban công). Thấy không? Bên kia là “dinh tổng thống” chứ gì? Tường, cột 10 năm không sơn phết. Nhìn búi dây điện kìa! Không thể tưởng!
. Ông làm tôi cười rũ này. Khắp nơi đều như vậy. Nhưng cái đó mọi người cho là nhỏ xíu so với trăm thứ lo?
- Chị nhầm quá. Cái đó làm hại đời sống. Chị nhìn hàng cây thẳng. Nhìn méo mó nó không tạo cho chị cái thẩm mỹ, có thể ảnh hưởng về cái THIỆN nữa. Tôi rất có ý thức chuyện đó nên khó chịu lắm. Đấy là chưa kể đến chuyện cải cách hành chính, chuyện làm ăn khác. Tôi lụi cụi làm nghiên cứu nhưng không ở trên mây. Thấy hết cái hay cái đẹp, thấy cả những con người làm trì trệ xã hội. Dân trí, DÂN ĐỨC phải cùng đi lên.
. Biểu hiện nào của người Sài Gòn hôm nay làm ông nói đến dân đức?
- Nhiều. Nằm lì trong nhà không kể. Ra đường khó chịu ngay. Kỷ cương ngoài đường không còn như ngày đầu tiên tôi ở đây. Người đi không giữ kỷ luật, không giữ cả đức độ nữa. Chỗ nào cũng tiểu tiện, đại tiện được. Những người bây giờ trông có vẻ ăn mặc đàng hoàng không nhường bước nhau. Không coi trọng người lớn, thương yêu người bé. Nhiều đường phố nhà cửa to đẹp. Thí dụ đường Thủ Khoa Huân đây ra Lý Tự Trọng xưa tôi đến ở chỉ có một cửa hàng, một phần dãy hai tầng còn nhà trệt hết. Nay chỉ vài năm mọc lên toàn khách sạn chục tầng. Người giàu mới của Sài Gòn nhiều tiền lắm. Có người sống với tinh thần chèn ép, quen biết chính quyền, coi tiền làm mạnh, phải mất thời gian mới hiểu xóm giềng. Những người vào Sài Gòn sau năm 1975, tức là vào sớm thì dần cũng có phong cách thoáng hơn những người mới tới. Từ chỗ chèn ép đến chỗ hiểu nhau phải qua một thời gian không gọi là đau khổ thì cũng là phải chịu đựng nhau. Thời gian đó là ta đang chứng kiến đây.
. Ở một thành phố lớn có vẻ không ai biết ai, làm sao người Sài Gòn vẫn giữ được chữ tín trong làm ăn?
- Cái gì đảm bảo lòng tin? Sơ đẳng ban đầu là do người Sài Gòn tứ xứ đến rồi sống với nhau, một thành phần một nhóm người có thể quen biết nhau được. Chữ tín được nuôi dưỡng. Nếu ở nơi vô danh không ai biết ai, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, không liên lạc gì, làm xấu không ai biết thì dễ làm xấu lắm. Nhưng may là Sài Gòn có nhiều phong trào xã hội mạnh mẽ từ trong kháng chiến cũng như xây dựng như xóa đói giảm nghèo và các hoạt động xã hội khác. Một thành phố lớn. Nhờ có đời sống tinh thần mà điển hình là thông tin báo chí.
Không biết chị có cùng cảm nhận này không: Báo chí tiến bộ hơn nơi khác, tin tức nhanh sát đời sống, giàu tính phản biện hơn. Nhờ báo chí và các hoạt động xã hội mà ta biết hết cả những người nghèo khổ, bệnh tật. Như chuyện hai anh giúp người, bị cướp chém. Xã hội phản ứng ngay lập tức. Lãnh đạo thành phố đến thăm. Công an lập tức lo toan. Những gương như thế ở thành phố là nhiều. Nếu không, chỉ phát triển vật chất là đáng ngại.
Dân xứ ăn chơi?
. Người Sài Gòn dễ chấp nhận – nay hội nhập có đi quá đà, “theo Tây” làm mất bản sắc Sài Gòn không?
- Có những lo đó. Nhưng cách thức người Sài Gòn nhận có chọn lọc, suy nghĩ, không quá đáng. Thí dụ: Phụ nữ văn phòng cũng ăn mặc như công ty ngoại quốc nhưng nền nã. Các tỉnh khác thường quá đi một chút. Trang điểm không lòe loẹt, môi son quá cỡ như các tỉnh, kể cả các tỉnh lớn. Thế rồi ca hát cũng vậy. Thị trường người Sài Gòn tạo ra tiến bộ đi đầu. Tôi không có con số rõ ràng nhưng cảm nhận vậy. Ca sĩ Sài Gòn sống động hơn. Người nổi tiếng trước sau gì cũng tới Sài Gòn. Hội họa cũng vậy. Đại học – cao đẳng xưa chỉ có ở Hà Nội, trong Nam, Lào, Campuchia không có. Nay thì thủ đô vẫn giữ những đại học đặc biệt, nhưng Sài Gòn không thua gì.
. Ông sinh ra ở phố Hàng Giấy - Hà Nội, nhưng ông là một trí thức Công giáo, nhà Nam Bộ học. Con người ông đậm chất Sài Gòn như thế nào?
- Tôi vẫn nói giọng Bắc chay, dù sống ở Sài Gòn hơn nửa thế kỷ. Tôi “chìm đắm” được ở Sài Gòn là nhờ cá tính muốn sống như mọi người, không khác biệt. Tôi sống giữa Sài Gòn thấy dễ chịu. Nhiều bạn bè bảo tôi “Nam Kỳ hơn cả nhiều người Nam Kỳ”. Tôi ăn gì cũng thấy ngon. Tây cũng được, Tàu, Nhật cũng được, trừ cay quá, ngấy quá. Thuốc hút được, rượu uống được, nhưng cả đời không bao giờ say.
. Vậy sao người ta bảo người Sài Gòn là “dân ăn chơi”?
- Chơi tôi không rõ vì bây giờ nhiều thứ quá. Còn về phương diện ăn uống, có ăn hơn nơi khác. Vợ chồng con cái thích đi ăn tiệm, dân Bắc ít, miền Tây càng ít. Sài Gòn gần như phổ biến, là vì cần có không khí trao đổi, thưởng thức, thích đông người, thích gặp nhau. Không có cái óc làm giàu tột cùng mà đến đâu hãy hay. Nhiều người trí thức không ăn chơi công tử. Một chuyện vui khá bất ngờ là có lần ba chúng tôi ra Hà Nội dự hội thảo Việt Nam học lần đầu tiên, ở nhà khách. Hôm khai mạc phải thắt cà vạt. Hai vị trí thức uyên bác Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng bảo: "May nhờ có ông Đầu biết thắt cà vạt giùm”. Ít nhất cũng không ăn chơi như công tử xưa...
. Người Sài Gòn dễ thương trong cái nông cạn?
- Họ không quyết liệt đó thôi.
. Nhưng trong đấu tranh, người Sài Gòn rất anh dũng mà?
- Có mức độ khác biệt. Cải cách ruộng đất không “vào” được Sài Gòn. Các ý thức hệ cứng ngắc không thể phù hợp ở miền Nam được. Giúp đất nước cởi mở, thay đổi, chị có thấy miền Nam có đột phá không? Nói ra có thể có người không bằng lòng, nhưng tôi thấy thế...
Phác họa người Sài Gòn
Dưới thời Pháp đô hộ – lớp người phong kiến đầu tiên hội nhập văn hóa Pháp phải nhắc đến những tên người như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký (con cháu Trương Minh Giảng). Tôi cho lớp ấy là những sĩ phu đầu tiên của Việt Nam canh tân. Nhóm ấy rất đặc biệt. Họ giỏi lắm về văn hóa dân tộc và thấm nhuần văn hóa Tây phương. Trương Vĩnh Ký – hiệu trưởng Trường Thông Ngôn. Nhưng người nghiên cứu không kỹ, cho là trường đào tạo “bồi Tây”. Tôi đọc kỹ chương trình của trường thấy rất cao, giỏi Tứ Thư, Ngũ Kinh, văn hóa Việt Nam. Truyện Kiều phiên chữ quốc tế đầu tiên là Trương Vĩnh Ký. Ở Hà Nội, sau có Trường Bưởi theo chương trình này, đào tạo ra những người giỏi như người ta hay gọi “Kim, Vĩnh, Quỳnh, Tố...” Những người ấy đâu làm bồi Tây, họ là những nhà văn hóa lớn. Đến các bước sau: từ Hồ Biểu Chánh cho tới cuối như Ung Ngọc Ky. Các tác phẩm của họ biểu hiện văn hóa người Sài Gòn: gia đình, xã hội, nghề nghiệp, phong tục tập quán, ngôn ngữ.
Đến năm 1954 với 2 triệu người Bắc di cư, các nhà có của, tư sản Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và những người nhà quê, người Công giáo rất nhiều. Ban đầu người tại chỗ khó chịu lắm. Họ bảo: độc lập rồi sao không ở quê còn vào làm gì? Mất một thời gian mới hội nhập văn hóa. Người di cư sống từng khu vực như Hố Nai,
Vườn Xoài, Bùi Phát. Nhóm văn nghệ sĩ tụ thành một số đoàn thể, hội nhập văn hóa địa phương, một số chống Cộng, nhưng nhìn chung có mang phong cách văn hóa Bắc vào. Sài Gòn trước 1955 báo chí mạnh, sách vở yếu. Nay sách vở cũng mạnh lên.
Giai đoạn quân đội Mỹ hiện diện, cuộc đấu tranh các đảng phái chiến đấu chống Mỹ, là thời xáo động nhất, người Sài Gòn đã để lại nhiều tấm gương anh dũng cho lịch sử. Không thể kể vì quá dài.
Dấu ấn người Sài Gòn trong tính cách
Chính sách duy ý chí sau 10 năm đầu sau 1975 không thực tế với cả nước, với người Sài Gòn lại càng khó chấp nhận. Nơi sản xuất lúa gạo làm thay đổi kinh tế cả nước mà phải ăn bo bo, khoai lang thối. Cùng chính sách đổi mới, cùng cán bộ lãnh đạo, nhưng người Sài Gòn nói rằng họ có những con người độc đáo rõ nét Sài Gòn: Nhóm các vị lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ – lúc đầu có thêm Trần Bạch Đằng. Đông lắm không kể hết. Trung ương sáng suốt khi chấp nhận đặc sắc này. Nhưng giai đoạn duy ý chí đã để dấu ấn nặng nề. Cần thấy, nhiều trí thức cũ, tư sản trước 1975 ở Sài Gòn trình độ tương đương Bangkok, có khi còn giàu hơn, có nhiều trí thức hơn. Có thể nói 5 năm trở lại đây, Trung ương chú ý mạnh vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của Sài Gòn. Đa số nhà đầu tư trong thực tế chọn Sài Gòn làm nơi đầu tiên đã. Vì theo họ, Sài Gòn dễ phát triển.
1 commentaire:
Một bài phỏng vấn hay, của một nhà nghiên cứu… Bị biên tập đến nỗi chẳng hiểu muốn nói gì !
Enregistrer un commentaire