Chủ Tịch IVCE Trần Thắng
(TT&VH) - Ra đời từ năm 2000, Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) đã tổ chức nhiều đợt giới thiệu phim VN (gần đây là Sống trong sợ hãi, Trái tim bé bỏng…), triển lãm tranh của các họa sĩ VN, biểu diễn âm nhạc dân tộc, thuyết trình văn hóa... tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 5-6 chương trình cùng với các hoạt động giao lưu với nghệ sĩ và trao đổi, thảo luận về tác phẩm. IVCE cũng thực hiện nhiều chương trình giáo dục như: gửi sách giáo khoa cho thư viện đại học, hội thảo du học Mỹ, phát triển quan hệ quốc tế giữa ĐH VN và Mỹ… TT&VH trò chuyện với ông Trần Thắng – người sáng lập viện và là Chủ tịch IVCE.
* Từ bỏ công việc của một kỹ sư cơ khí cho hãng động cơ máy bay Pratt & Whitney (Mỹ) với mức lương cao, anh tham gia điều hành IVCE hẳn có lý do... chính đáng?
- Sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí tại ĐH Connecticut năm 1997, tôi bắt đầu làm cho hãng Pratt & Whitney từ năm 1999. Song song với công việc chuyên môn, tôi thành lập và điều hành IVCE tại New York từ năm 2000. Kể từ năm 2004, chương trình ngày càng phong phú. Tôi phải xoay xở vì đều phải làm cả hai công việc cùng lúc. Ðầu năm 2007, khi dự án của tôi hoàn thành và phải đợi một dự án khác. Nhân dịp này, tôi tạm nghỉ một thời gian. Tôi muốn đưa IVCE đến với nhiều chương trình hiệu quả trong những năm tiếp theo. Được giáo sư Trần Văn Khê truyền cho cảm hứng, tôi càng dành thời gian quan tâm và tìm hiểu thêm về các hoạt động văn hóa. Thời gian gần đây, tôi càng nghiệm ra, giáo dục và văn hóa thực sự là nền tảng để phát triển xã hội VN.
* Chính phủ Mỹ khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội và coi đó là một trong những điều kiện ưu đãi khi bố trí việc làm. Ở VN có phong trào Thanh niên tình nguyện thu hút khá nhiều sinh viên tham gia nhưng do đất nước còn nhiều khó khăn nên chưa có nhiều chính sách ưu đãi tương xứng với họ. Theo anh, ta nên làm thế nào?
Chủ Tịch IVCE Trần Thắng |
- Tôi muốn nói rõ là môi trường của sinh viên Mỹ như thế nào mà dẫn đến họ năng động. Tại ĐH Mỹ, sinh viên luôn được khuyến khích tự do suy nghĩ, sáng tạo, làm việc có niềm tin, sống có ý nghĩa, v,v… Môi trường đại học thì việc học là chính, nhưng nó không phải là tất cả. Trong năm học, sinh viên tham gia các hoạt động tùy theo sở thích của mình. Ðến dịp hè, sinh viên tiếp tục sinh hoạt; và sinh viên có điều kiện thì đi ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, hay làm việc cho các tổ chức NGO (tổ chức phi lợi nhuận). Khi gởi đơn xin đi làm hay đi học lên cao thì các công ty hay trường đại học sẽ xem điểm học và kinh nghiệm làm việc. Kinh nghiệm làm việc được thể hiện qua các chương trình sinh hoạt hay tự nghiên cứu. Chương trình sinh hoạt giúp cho sinh viên biết cách hòa nhập trong một hệ thống, biết cách ứng xử trong công việc.
Ðối với những sinh viên làm việc những vùng như châu Phi thì nói lên sự say mê to lớn, sự dấn thân cho một lý tưởng... Đó là những giá trị cao quý mà những người tại công ty hay trường đại học muốn thấy ở người sinh viên. Chúng ta thấy một chuỗi đã được hình thành là: có môi trường tốt để sinh viên tự phát triển bản thân, để dấn thân vào hoạt động xã hội và để được xã hội đón nhận và ưu ái.
Hoạt động xã hội được coi là một kỹ năng quan trọng của giới trẻ phương Tây. Là Hoàng tử Anh quốc nhưng Harry không ngần ngại đến Châu Phi bê vác, dựng nhà cho trẻ mồ côi. |
Tại VN, nhiều người chưa thấy giá trị của sinh hoạt xã hội. Tôi nghĩ, vấn đề này còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội. Tồn tại này không chỉ ở VN mà có thể nói cả châu Á, ngoại trừ Nhật. Theo tôi, điều mà VN nên thực hiện bây giờ là nghiên cứu chính sách về tổ chức phi lợi nhuận (NGO) để tiến đến cho phép thành lập tổ chức này một cách rộng rãi hơn nữa ở VN. Trong khoảng 10-20 năm nữa, sẽ có nhiều tư nhân giàu có xuất hiện trong xã hội và nhiều người trong số họ muốn thành lập những tổ chức NGO. Khi ấy, ta đã có hệ thống NGO để đáp ứng nhu cầu này.
Sinh hoạt xã hội hiện nay tại nhiều trường đại học vẫn còn mang nặng chất “phong trào”. Tôi nghĩ, những hoạt động xã hội này sẽ dần dần không còn phù hợp với trào lưu bây giờ. Sinh hoạt xã hội là từ tấm lòng, từ niềm đam mê, từ sở thích, từ chuyên môn, từ điều kiện của mỗi người; và sinh hoạt trong một tổ chức thông thoáng và cởi mở, thì như thế mới phát huy hết sức mạnh của hoạt động xã hội.
* Tham gia các hoạt động xã hội hay các chương trình vì sự nhiệp chung, suy cho cùng xuất phát từ nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo anh, có phải giáo dục ý thức cộng đồng còn là điểm khuyết thiếu trong chương trình và hệ thống giáo dục ở VN?
- Suy cho cùng thì giáo dục, giáo dục và giáo dục sẽ tạo cho chúng ta những nhận thức về xã hội hay có được những hiểu biết tốt trong những vấn đề khác. Giáo dục VN tập trung về kiến thức trong giáo trình mà ít hướng học sinh & sinh viên đến sự sáng tạo tìm kiến thức bên ngoài. Giáo dục VN mờ nhạt trong việc hướng dẫn cho các bạn trẻ về trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội. Ðội ngủ giáo viên hay những nhà quản lý giáo dục cũng không đánh giá cao trong việc học sinh & sinh viên tham gia hoạt động xã hội. Môi trường như vậy không thuận lợi cho việc kích thích các bạn trẻ dấn thân vào công việc xã hội.
Sự tham gia công tác xã hội không những giúp cho các bạn trẻ năng động hơn & sáng tạo hơn trong việc học và việc làm mà còn tạo dựng được một giá trị cộng đồng. Giá trị cộng đồng là một di sản của xã hội bởi mọi người đều ý thức làm đẹp cho xã hội.
* Anh và những người tham gia IVCE có dự định “vác tù và hàng tổng” trong thời gian bao lâu?
- Chúng tôi sẽ làm hoài đến một khi nào chúng tôi thấy không còn gì nữa để làm!
* Xin cảm ơn anh và chúc anh và IVCE tiếp tục bắc những nhịp cầu văn hóa và giáo dục từ VN đến với thế giới!
Hải Đông
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire