Một câu chuyện có thật mà nhân vật chính trong câu chuyện là tôi. Mỗi lần nhớ lại nhiều cảm xúc lại ùa về song điều quan trọng nhất ở câu chuyện đó vẫn là một bài học không thể nào quên. Chuyện xảy đến vào một trưa hè nóng nực...
Tôi còn nhớ rõ hôm ấy tôi phải làm việc cả ngày nên buổi trưa không về nhà mà tranh thủ dạo chơi phố cổ Hà Nội. Một thú vui mà từ khi đi làm tôi quên bẵng đi vì thời gian cho công việc đã ngốn hết. Đang trên đường Lý Quốc Sư, tôi nhìn thấy một của hàng dây chuyền đã được giới thiệu trên truyền hình liền ghé vào với ý định ngắm là chính.
Tác giả bài viết (bên trái) cùng 1 người bạn người nước ngoài
Sau khi người thanh niên rời đi, cô bán hàng bây giờ mới đến gần và nói tiếng Anh với tôi. Tôi ngỡ ngàng giây lát rồi chợt hiểu ra cô bán hàng và người khách lúc nãy nhầm tôi là người... nước ngoài. Chắc họ không nhầm tôi là Việt kiều thì cũng nhầm tôi là người Hoa hay Nhật gì đó đang du lịch Việt Nam bởi bề ngoài tôi ăn mặc như người nước ngoài đi du lịch với áo phông và quần lửng ống rộng (trời nóng nên tôi mặc đồ rộng cho thoải mái) trên tay còn cầm chai nước (cũng vì thời tiết quá oi bức quá!). Vốn là người ưa khám phá, một ý nghĩ lóe lên là sao mình không nói tiếng Anh và vờ làm người nước ngoài nhỉ? Họ đã nhầm tôi với người nước ngoài thì cho nhầm một thể xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Sở dĩ tôi có thể nghĩ ra một chuyện kì quặc ấy vì vốn tiếng Anh giao tiếp của tôi đủ dùng, phát âm rõ ràng.
Màn “đóng kịch" của tôi bắt đầu khi tôi nói tôi muốn mua một giây chuyền cho nam mặt đá pha lê. Sau vài lần cầm lên đặt xuống cuối cùng tôi cùng tìm cho mình chiếc dây chuyền ưng ý. Điều tôi chú ý trong cửa hàng ấy là khi tôi nhận lại tiền thừa. Cô bán hàng hai tay cầm đồng xu năm nghìn bé tí "kính cẩn" đưa cho tôi với điệu bộ mà tài ngôn ngữ của tôi bất lực chỉ biết rằng tôi đã phải nhịn cười. Rời cửa hàng tôi thầm nghĩ nếu mình vẫn đóng giả là người nước ngoài thì sẽ được đối xử ra sao? Hình như những người bán hàng rất có thiện cảm với người nước ngoài hơn thì phải? Hai câu tự hỏi ấy quyện vào nhau và thôi thúc tôi tiếp tục đóng kịch để tìm câu trả lời cho mình.
Tôi đến quán ăn nhanh ở phố Bát Đàn gọi món mì Ý. Cách đó một tháng, lần đầu khi đến đây cùng với một nhà thơ già, tôi cũng gọi món mì Ý và người phục vụ đã đưa đĩa mỳ cho nhà thơ già một cách bất lịch sự không thèm nhìn mặt khách hàng cứ thế đặt mạnh đĩa mỳ xuống bàn cứ như đưa của bố thí vậy! Cái cách đưa đĩa mỳ tiếp theo cho tôi chắc không cần phải nhắc lại. Lần trở lại thứ hai, vẫn là tôi thôi chỉ khác ở ngôn ngữ tôi sử dụng. Khi tôi nói tiếng Anh với họ thì sự phục vụ và lời nói đã nhã nhặn, lịch sự biết bao.
Những tà áo dài Việt Nam được tôn vinh tại cuộc thi HHHV
Dùng xong món mì, tôi dùng cafe tại chỗ. Lúc này tôi mới để ý bốn cô ở bàn đối diện đang nhìn tôi chăm chú. Một cô gái tiến về phía ngồi tôi. Một cách nhanh nhất có thể tôi đứng dậy đi đến quầy thanh toán. Bởi nếu ngồi lại và nói chuyện chắc chắn cô gái ấy sẽ hỏi tôi câu hỏi mà tôi không muốn trả lời: “Where are you from?” (Anh đến từ đâu?). Cái thời khắc mà tôi đứng dậy cũng là lúc hạ màn cho vở kịch. Và khi mọi chuyện đã kết thúc tôi mới ý thức được chuỗi thành động vừa rồi của mình mới lố bịch làm sao! Tôi ra về trong im lặng giữa sự ồn ào của phố phường.
Buổi tối ở nhà tình cờ xem một diễn đàn trên mạng phản ánh chuyện các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài du lịch luôn nhận mình là người Nhật Bản, Hàn Quốc chứ nhất quyết không nhận: “Tôi là người Việt Nam”. Những người có tâm lý sính ngoại tự biến mình thành người ngoại quốc bị gọi là "người Việt xấu xí". Một số người đặt câu hỏi: "Sao họ không nhận mình là người Việt?" Với tôi câu hỏi ấy không hề hóc búa, trái lại còn rất dễ hiểu vì tình cờ cũng hao hao với câu chuyện mà tôi vừa kể. Họ tự biến thành người nước ngoài bởi tính từ “người Việt Nam” trong đầu người nước ngoài là một từ mang nhiều nghĩa… không tốt dẫn đến sự đối xử không công bằng.
Nghĩ lại màn kịch đã là thời quá khứ, người đáng trách đầu tiên chính là tôi. Nếu trong cửa hàng trang sức đó tôi không thốt lên từ "Beautiful" mà thay bằng từ “Đẹp” hoặc “Tuyệt vời” thì sẽ không có sự hiểu nhầm và trong đầu tôi cũng không hề có ý định "giả Tây" làm gì. Tôi không phải là người sính ngoại đến mức tự đánh mất quốc tịch nhưng tôi cũng nhiễm thói quen dùng tiếng nước ngoài quá mức rồi! Tiếng nước mình đủ phong phú để diễn đạt cảm xúc sao tôi lại không nói tiếng Việt? Một cách vô thức tôi đã trở thành một "người Việt xấu xí" mà không hay!
Câu chuyện của tôi được viết ra không phải để chỉ trích hay giáo dục ai đó. Tôi chỉ là một người kể chuyện của mình chia sẻ với các bạn mong muốn tính từ "người Việt Nam" mỗi lần vang lên không hề mang nghĩa xấu xí.
Hàm Đan
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire