mardi 13 octobre 2009

Bản sắc, tiếp biến và phát triển

Thứ Sáu, 02/10/2009 08:07

(TT&VH Cuối tuần) - Ai cũng biết, sự sống tồn tại bằng biến đổi, hay như cách nói của các nhà khoa học, bằng “trao đổi chất” (métabolisme). Sống tức là thường xuyên trao đổi chất với môi trường quanh mình, nghĩa là thường xuyên có một cái gì đó chết đi, bị đào thải, một cái gì đó khác được thay vào; nhưng mất đi và thay vào như thế nào đó để sự vật vẫn là sự vật ấy, vừa vẫn là chính nó, vừa đã được phát triển lên. Tức đào thải và thay thế, nhưng có một cái lõi xuyên suốt nào đó vẫn còn. Hình như khoa học gọi cái đó là “gen”.

Văn hóa càng như vậy. Phương thức tồn tại của văn hóa không phải là tĩnh tại, mà là biến đổi; không biến đổi, không phát triển, thì không còn là văn hóa, khi đó chỉ còn văn hóa chết. Bàn về bản sắc dân tộc sẽ là một cuộc bàn bạc không dễ dàng, là vì có chuyện: biến đổi như thế nào, để phát triển mà vẫn là mình, vẫn giữ được một cái lõi, cái “gen”. Ta muốn ta là một bộ phận của thế giới, văn hóa ta là một bộ phận của văn hóa thế giới, thậm chí là một bộ phận đặc sắc. Nhưng để thể thành một bộ phận như vậy, thì phải hòa nhập, tiếp nhận, đồng thời lại có được sự độc đáo của ta. Là ta được phát triển bằng tiếp nhận. Người ta gọi điều đó là tiếp biến.

Vấn đề là tiếp biến như thế nào?


Văn học Nhật Bản
Cách đây mấy hôm, tôi có được dự một buổi thuyết trình của giáo sư Mitsuyoshi Numano thuộc trường Đại học Tokyo về Lịch sử và đặc trưng của văn học Nhật Bản. Ông đã nói rất sâu sắc về những đặc trưng lâu dài và nổi bật không chỉ của văn học, cũng không chỉ của văn hóa, mà còn của cả dân tộc Nhật. Mitsuyoshi chỉ ra một điểm rất quan trọng: trong khi ở phương Tây sự phát triển trong văn học (và như vừa nói, không chỉ trong văn học) bao giờ cũng bằng con đường đấu tranh, đối đầu, một chủ thuyết mới, một trường phái mới ra đời bao giờ cũng bằng phủ định một chủ thuyết, một trường phái cũ; thì người Nhật, văn học Nhật, phát triển không phải bằng đấu tranh giữa các dạng thức, cái sau phủ định cái trước, mà bằng dạng thức mới chồng đắp lên dạng thức cũ. Cái mới đến, không phủ định cái cũ, mà chồng đắp lên đó, hòa vào đó, tạo nên cái mới đa dạng hơn, giàu có hơn.

Ông nói: “... Mặc dù vào một thời kỳ nào đó có thể xuất hiện những hình thức văn hóa và ý thức thẩm mỹ mới, song chúng không bao giờ xóa bỏ hoàn toàn hình thức và ý thức thẩm mỹ trước đó, ngược lại chúng kế thừa những cái cũ và bồi đắp thêm những cái mới để tạo ra một dòng chảy văn học sử. Chẳng hạn... thể loại thơ tanka... có lịch sử lâu đời nhất (hơn một nghìn năm), tuy nhiên nó vẫn song song tồn tại cùng hai thể loại thơ ra đời sau đó là haika (cũng còn gọi là haiku) và thơ hiện đại... Sự xuất hiện của thơ hiện đại không làm tanka hay haiku mất đi...”.


Người Nhật không sợ cái ngoại lai, không đối lập cái ngoại lai với cái gọi là “bản sắc” hay “truyền thống”, họ tiếp nhận thoải mái tất cả những gì tốt đẹp nhất đến từ bên ngoài, và coi cái gọi là “bản sắc” của Nhật Bản là tất cả những cái tốt đẹp đó được “chồng đắp” lên không ngừng, cho đến hôm nay, và sẽ còn tiếp tục mãi

Quả thật, thể loại thơ đã có từ hàng nghìn năm nay vẫn tồn tại, có người viết và có độc giả đông đảo cùng lúc với thơ hiện đại, là một hiện tượng hết sức đặc sắc. Theo chỗ tôi được biết, đây là một đặc điểm, thậm chí có thể gọi là một bản lĩnh vô cùng quan trọng của văn học, văn hóa, của tính cách Nhật Bản, tạo nên cái ta thường gọi là sự thần kỳ Nhật Bản, tạo nên nước Nhật hùng cường ngày nay. Người Nhật không sợ cái ngoại lai, không đối lập cái ngoại lai với cái gọi là “bản sắc” hay “truyền thống”, họ tiếp nhận thoải mái tất cả những gì tốt đẹp nhất đến từ bên ngoài, và coi cái gọi là “bản sắc” - như ta thường nhấn mạnh một cách lo lắng - của Nhật Bản là tất cả những cái tốt đẹp đó được “chồng đắp” lên không ngừng, cho đến hôm nay, và sẽ còn tiếp tục mãi.


Có điều khá kỳ lạ: người Nhật rất ít nói đến bản sắc truyền thống dân tộc, họ không có quan niệm “hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc” vậy mà ai cũng biết, họ là một dân tộc giữ được cái chúng ta vẫn gọi là bản sắc một cách bền vững, sâu sắc, đậm đà nhất, đồng thời cực kỳ hiện đại, tự nhiên, thoải mái như không. Thậm chí Haruki Murakami, nhà văn hàng đầu của Nhật Bản hiện nay từng nói một câu rất lạ: “Tôi không nợ một giọt nào của truyền thống Nhật Bản cả”. Dù ông chịu ảnh hưởng mạnh của văn học Mỹ, những vấn đề trong các tác phẩm của ông là những vấn đề hết sức hiện đại của xã hội Nhật và của thế giới... Nhưng hãy đọc Murakami mà xem, ông vẫn vô cùng Nhật Bản... Nói một cách chính xác, ông hiện đại một cách rất dân tộc, ông dân tộc một cách hiện đại, hoặc đúng hơn nữa, ông là dân tộc hiện đại...

Thật ra quan niệm về tiếp biến và phát triển của Nhật Bản vừa nói trên không hoàn toàn xa lạ với chúng ta, thậm chí còn có thể nói sở dĩ dân tộc ta, văn hóa ta tồn tại được qua suốt lịch sử lâu dài, không bị đồng hóa bên cạnh một nền văn hóa rất lớn và luôn muốn mở rộng ảnh hưởng, chính là vì cha ông ta cũng từng hành xử giỏi như người Nhật. Tam giáo đồng nguyên là một đặc sắc của văn hóa Việt. Thậm chí còn có thể nói đến "tứ nguyên": cha ông ta đã tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo trên cơ sở văn hóa bản địa có từ Hùng Vương, tạo nên sức mạnh tổng hợp của văn hóa Việt. Và về sau lại còn tiếp nhận cả văn hóa phương Tây, tạo nên một đa nguyên văn hóa phong phú, đặc sắc… Suốt lịch sử rất khó khăn, chúng ta đã phát triển không phải bằng đối đầu, mà bằng chồng đắp văn hóa. Và, nếu tôi nhớ không sai, hình như cha ông ta ngày trước cũng rất ít khi nói về cái mà ngày nay ta gọi là "bản sắc", khư khư giữ bản sắc với một nỗi lo sợ ngay ngáy thường xuyên.


Liền anh, liền chị hát quan họ

Cũng cần nói cụ thể hơn chút nữa về ứng xử văn hóa đặc biệt này. Để thực hiện đồng nguyên văn hóa trong điều kiện không dễ dàng và yên tĩnh của lịch sử - thường xuyên phải chống ngoại xâm, nguy hiểm hơn cả là ngoại xâm văn hóa - cha ông ta không chỉ có quan niệm đặc sắc về tiếp biến văn hóa, mà còn biết tạo ra một cơ chế rất độc đáo cho tiếp biến ấy: du nhập chủ yếu ở cấp "trung ương", cấp triều đình, cấp "toàn quốc", cấp công khai, đồng thời giữ vững tính bản địa ở cấp làng, tức trong từng tế bào sâu xa và cơ bản nhất của xã hội, lấy đó làm cái nền cho sự du nhập kia..

Cũng có thể nói thêm, dù còn rất sơ lược thôi - về trí tuệ và nghệ thuật tiếp biến rất đáng để chúng ta ngày nay nghiên cứu và suy ngẫm. Xin thử lấy hai ví dụ:

1. Có nhà nghiên cứu cho rằng điệu quan họ tuyệt vời được coi là độc đáo Việt Nam lại có nguồn gốc từ Chàm, hoặc ít ra chịu ảnh hưởng sâu của Chàm. Sinh thời, anh Trần Quốc Vượng có lần nói: không chỉ một mà có thể có hai con đường chuyển động của nghệ thuật: hoặc từ nghệ thuật dân gian, được đúc kết, nâng cao mà lên thành nghệ thuật cung đình; hoặc cũng có thể có một con đường khác, từ nghệ thuật cung đình chuyển "xuống" thành nghệ thuật dân gian. Các triều đình Việt, từ Lý, đặc biệt từ Trần, Lê … rất say mê nghệ thuật Chàm. Nghệ thuật Chàm qua con đường tù binh Chàm, cung tần mỹ nữ Chàm bị bắt trong cuộc chiến, được đưa về các làng quanh Thăng Long (cho đến nay nhiều làng quanh Hà Nội vẫn còn mang tên có dấu vết Chàm) … thâm nhập vào triều đình. Và từ triều đình, từ nghệ thuật cung đình, theo những con đường có thể quanh co nào đấy mà lan xuống vùng Kinh Bắc, vốn là cái nôi lâu đời của văn hóa Việt. Không phải ngẫu nhiên nó lan xuống trước hết và sâu nhất ở đấy: vùng sâu đậm, gốc gác nhất của văn hóa Việt. Chính nơi có bản lĩnh văn hóa gốc, sâu nhất đã thu hút, và mới thu hút được tinh hoa của nhạc Chàm, vòng qua con đường cung đình, để Việt hóa và lại dân gian hóa, tạo nên điệu quan họ còn tuyệt mãi cho đến ngày nay… Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các loại dân ca của ta, quan họ có đặc điểm rất "sang", sang cả về nhạc lẫn lời, một sự cực sang đã được dân gian hóa đến nhuần nhuyễn, một sự dân gian mà tinh tế đến "quý phái" như cung đình …

2. Cũng còn có người cho rằng điệu lục bát đến từ ảnh hưởng Chàm. Dù đây còn là một giả thuyết, nhưng ít ra ta cũng có thể thể thấy cho đến Nguyễn Trãi (thế kỷ 15), một nhà thơ nôm sớm nhất và cũng gần gũi với dân gian nhất, thơ Việt chưa hề có dấu vết lục bát; trong khi thể lục bát phổ biến trong nghệ thuật cổ Chàm. Hình như người Việt đã tiếp nhận thể thơ nay đã thành tiêu biểu cho tâm hồn Việt này khi đi về Nam, trong hòa trộn văn hóa với các dân tộc ở vùng đất phương Nam, và bản địa hóa, "dân tộc hóa" nó thành của mình … Nghĩa là chúng ta cũng đã phát triển bằng chồng đắp, chứ không phải bằng đối đầu, phủ định. Người Việt, văn hóa Việt từng có cái tâm thế cao đẹp, thông minh và hiệu quả đó.

Xin thử đặt ra câu hỏi thứ nhất: Có phải, từ một lúc nào đó, do những nguyên nhân nào đó, chúng ta đã để mất đi cái tâm thế ấy? Ảnh hưởng của một tâm thế cơ giới phương Tây chăng? Hay của một hệ ý thức quá đậm những nhân tố máy móc nào?

Mất đi cái tâm thế này thì sẽ dẫn đến rối trong tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, sợ và kỳ thị với cái lạ, cường điệu cái gọi là "bản sắc", dù thật ra cũng không ai nói được cho thật rành rẽ cái đó là cái gì. Tôi đồng ý với nhà nghiên cứu Phan Ngọc khi ông cho rằng bản sắc không phải là một vật, một cái cụ thể đã có từ bao giờ, hoặc nhận được trong một lúc nào đó, và không thay đổi. Mà là một kiểu, chẳng hạn kiểu ứng xử văn hóa bằng đối đầu, hay kiểu ứng xử văn hóa bằng chồng đắp. Hiểu như vậy thì chính khi khư khư lo sợ giữ bản sắc, chưa tiếp nhận đã lo mắt bản sắc, vừa tiếp nhận vừa nơm nớp lo sợ mất bản sắc, nghịch lý thay ta lại đánh mất bản sắc, tức là cái bản lĩnh tự tin và nhẹ nhàng chồng đắp, đồng nguyên văn hóa cha ông ta từng đạt được suốt lịch sử lâu dài, đầy khó khăn.

Có phải một trong những vấn đề bây giờ là trở lại cho được cái tâm thế thoải mái và tự tin đó. Có lẽ sẽ đỡ đi nhiều rối rắm đang dày vò chúng ta hôm nay.

“Xu hướng hội nhập một mặt dẫn tới chủ nghĩa quốc tế trên mọi lĩnh vực, mặt khác làm nổi rõ nhu cầu về bản sắc dân tộc. Bởi vì nếu không có những điểm chung nhất định (tính quốc tế) thì không thể giao lưu, nhưng nếu không có cái riêng (bản sắc dân tộc) thì không có nhu cầu về trao đổi”.


Nguyên Ngọc

Aucun commentaire: