mardi 13 octobre 2009

Chữ “Từ bi” trong tâm thức người Việt

Thứ Sáu, 23/05/2008 17:26


(TT&VH) -Lời dạy nổi tiếng của Đức Phật trong kinh điển: “ Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật ”là nguyên lí nhập thế rất căn bản của đạo Phật. Ở Việt Nam, học thuyết này đã chạm vào chữ “nhân ái” trong dòng chảy của tâm thức Việt từ rất sớm...

Giữ chức Trưởng ban Từ thiện – Xã hội của Thành Hội Phật giáo TP.HCM nhưng Hòa thượng Thích Như Niệm lắc đầu khi tôi ngỏ ý xin vài số liệu về hoạt động xã hội, từ thiện của Phật giáo. “ Cô tính “đếm” làm gì vậy?”. Phòng thuốc miễn phí ở chùa Pháp Hoa (quận Bình Thạnh), nơi thầy Như Niệm trụ trì mấy chục năm qua, nổi danh với cái tên Tuệ Tĩnh đường.


Thiền để có thêm lòng nhân ái giúp đời

Đến đây lúc nào cũng thấy đông người tới khám bệnh và nhận những thang thuốc nam miễn phí. Sân chùa thành nơi phơi thuốc. Ở phòng vật lý trị liệu, vị bác sĩ từ chối nêu tên, nói anh đã làm việc ngoài giờ ở đây cả chục năm nay. “ Chúng tôi có nhiều người, thay phiên nhau làm việc, tất cả là tình nguyện”, anh nói. Những sư thầy chuyên chú việc từ thiện xã hội như Hòa thượng Thích Như Niệm không hiếm. Và những Phật tử tình nguyện tham gia việc thiện như vị bác sĩ giấu tên kia cũng không hiếm trong đại gia đình 10 triệu Phật tử Việt Nam.

Không thể tính đếm được đã có bao nhiêu thân phận được hồi sinh bằng thiện tâm ở những nơi như chùa Bồ Đề (Hà Nội), chùa Kỳ Quang (TP.HCM), chùa Giác Hoa (Đồng Nai), chùa Diệu Đế (Thừa Thiên-Huế)... 5 năm qua, Tuệ Tĩnh đường đã được gây dựng ở nhiều nơi, nay đã có hệ thống 126 phòng khám trong cả nước, 150 tăng, ni được đào tạo để trở thành y tá, điều dưỡng cho hệ thống này. Hơn 1000 lớp học tình thương, gần 70 cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, bảo trợ người già và dạy nghề miễn phí... đã được chính các tăng, ni trong Gíao hội tổ chức, duy trì với sự trợ sức của hàng triệu Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Các hoạt động cứu trợ thiên tai, giúp người nghèo mổ mắt, tặng xe lăn cho người khuyết tật, xây cầu, xây nhà tình thương... mà Gíao hội đã làm có kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Tất cả là từ chữ từ bi của nhà Phật và thiện tâm của Phật tử Việt Nam. Con đường nhập thế về mặt xã hội của Phật giáo Việt Nam không đơn thuần là sự chia sẻ miếng cơm manh áo cho những người nghèo khổ và gặp hoàn cảnh khó khăn mà hướng đến sự trợ giúp “ lâu dài và căn cơ” hơn cho họ.

Chừng bảy, tám chục cây cầu lớn nhỏ được sư thầy Như Niệm giúp xây ở Bến Tre, nơi người dân sống giữa sông rạch chằng chịt... chính là một trong những cách trợ giúp như vậy. Thượng tọa Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Từ thiện – Xã hội Trung ương, trong chương trình hoạt động từ thiện nhiệm kỳ VI cũng kêu gọi tăng ni, Phật tử “ giúp người nghèo, nhất là người nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa ổn định và phát triển cuộc sống lâu dài”.


Những đứa trẻ được nhà chùa cưu mang

Tháng Tư vừa qua, chùa Kỳ Quang II mở lớp dạy nghề làm hương (nhang) cho những thanh niên mới rời trung tâm cai nghiện ma túy về. Học nghề xong, họ được làm việc và thụ hưởng trọn vẹn thành quả lao động của chính mình. Câu lạc bộ dưỡng sinh cũng được mở ra ở đây, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, phục hồi sức khỏe, chống tái nghiện cho hàng chục thanh niên. Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Chiếu vừa lo cho hơn 220 em nhỏ mồ côi được nuôi dạy trong chùa, vừa gánh luôn việc điều hành những công việc mới này. CLB cùng một số chùa khác hiện là thành viên của Mạng lưới các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS tại TP.HCM, thường xuyên có các chương trình tư vấn, hỗ trợ thực phẩm, giới thiệu việc làm cho các gia đình có người nhiễm HIV, nhóm phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao...

Trong cả nước, đã có 6 tỉnh, thành Hội Phật giáo tham gia “ Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” về phòng chống HIV/AIDS với mô hình trung tâm tư vấn và hỗ trợ tương tự. Trong phương thức hành trì Phật pháp của người Việt, đối với mọi hệ phái, tụng niệm hai chữ “từ bi” không được coi trọng bằng thực hành nó. Đạo Phật, với chất liệu của lòng từ bi và tuệ giác, đã được các cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam truyền đạt vào đời sống tâm linh của Phật tử bằng lời dạy “phải phục vụ cho nhân sinh và xã hội”.

Sự hưởng ứng nhiệt thành của hàng triệu tăng, ni, Phật tử Việt Nam những năm qua trong hoạt động xã hội – từ thiện chính là đáp từ chân thành cho lời dạy này. Trong nhiều diễn đàn gần đây, thông điệp nhập thế về xã hội đã được các chức sắc Phật giáo, các học giả và nhà nghiên cứu bàn thảo từ nhiều góc độ, phương châm dấn thân và lối đi khác nhau.

Thi Cầm

Tâm lý đám đông người Việt trở thành hiểm họa với nền kinh tế

Thứ Ba, 03/06/2008 09:43


Có lẽ, tâm lý tích trữ mọi thứ vốn là đặc trưng của thời bao cấp nay đã ngấp nghé quay trở lại.

Sự suy thoái của chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp diễn không có điểm dừng khi chỉ số VN-Index rơi tự do. Các đáy bảo vệ được kỳ vọng như 600, 500, 450... lần lượt bị phá vỡ.

Người dân bán ngoại tệ tại một điểm trên phố Hà Trung (Hà Nội) - Ảnh: LĐ.
Khi lạm phát trong năm tháng đầu năm 2008 lên cao kỷ lục, lãi suất cho vay cùng các khoản phí dịch vụ tăng tương ứng thì dường như không có phép lạ nào cứu được chứng khoán. Kênh giữ tiền sinh lời nhất không còn là chứng khoán hay bất động sản. Những người thận trọng thì gửi tiền vào ngân hàng, còn các nhà đầu tư chuyển cuộc chơi sang thị trường vàng, ngoại tệ.

Một xu hướng khác là dòng tiền của các nhà đầu cơ đổ vào thị trường vật liệu, hàng hóa. Cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi hết gạo rồi đến xi măng, sắt thép... đều lên cơn sốt. Áp lực của lạm phát khiến ai đó cũng muốn mua cái gì đó để dự trữ, mặc dù có lẽ còn lâu mới cần dùng đến.

Cá nhân người viết đang xây nhà cũng vậy, chủ thầu liên tục giục tạm ứng "kẻo giá vật liệu sắp tăng vài lần". Cả sợ, tôi cũng đành ứng tiền để chủ thầu chất đống gạch, đá, xi măng... cho vài tháng tới. Câu chuyện tương tự đang diễn ra với hàng chục triệu gia đình Việt Nam. Mỗi người chỉ mua thêm vài cân gạo là có thể khiến thị trường khan hiếm một cách giả tạo.

Có lẽ, tâm lý tích trữ mọi thứ vốn là đặc trưng của thời bao cấp nay đã ngấp nghé quay trở lại.

Chúng ta còn nhớ cách đây vài thập kỷ, mỗi người dân, ai cũng đều cố mua cái thùng đựng gạo thật to, sắm cái thùng chứa nước thật bự, rồi đua nhau tậu "súc-von-tơ" công suất lớn. Những nỗ lực cá nhân đó làm cho dãy xếp hàng mua gạo dài hơn, vòi nước thì tận đêm khuya mới chảy, còn ánh sáng điện thì lúc nào cũng lờ mờ.

Trong những thời điểm nhạy cảm như hiện nay, tâm lý đám đông của người Việt trở thành một hiểm họa đối với cả nền kinh tế. Chỉ trong vài giờ, người người đi săn lùng đổi USD khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng vọt đến 6 - 8%. Cũng vẫn là những người mua đơn lẻ, chỉ đổi vài ba trăm USD. Giá USD có lúc lên tới 17.600 đồng. Thật đáng sợ.

Đối với mỗi cá nhân, việc giá USD biến động 1 - 2 phần trăm có lẽ cũng không gây ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng tâm lý bất ổn khiến tất cả ùa đi mua USD sẽ đẩy môi trường kinh tế lẫn các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn vào ngả trầm kha mới.

Và rồi, như đợt USD đại hạ giá cách đây vài tháng, sau khi người dân bán tháo USD với giá 15.000 - 15.300 đồng, cơn sốt hạ nhiệt nhanh như khi nó tới, để lại những con người tiếc nuối ngẩn ngơ.

Giá như trong thời gian qua, mỗi người phản ứng một cách bình tĩnh hơn, từ tốn hơn trước những biến động thị trường thì có lẽ thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa cũng như nền kinh tế nói chung sẽ không bất ổn đến như vậy.

Giống như một sự cố va chạm trên sân vận động, mỗi người càng lồng lộn, càng cố gắng trốn chạy thì nguy cơ bị đè bẹp, bị dẫm đạp càng lớn, cơ hội sống sót càng thấp. Bạn sẽ hành động như thế nào?

Theo VNEconomy

Văn hóa uống chè của người Việt

Chủ Nhật, 20/07/2008 19:40

(TT&VH Online) - Một dạo, ở Hà Nội nở rộ các quán trà đạo Nhật Bản, rồi mấy quán trà Bát bảo quanh sân vận động Hàng Đẫy cũng hình thành nên “Bát bảo trà phố” (suốt dọc vỉa hè phố Cát Linh). Nhưng sau háo hức ban đầu với những thứ đồ uống “mác ngoại”, người ta lại trở về với chén chè Việt theo thói quen vào mỗi buổi sáng ở gia đình, nơi công sở, hay những quán cóc vỉa hè...
Theo các nghiên cứu về sinh vật học, Việt Nam là một trong những quê hương của cây chè trên thế giới. Ở vùng núi cao Hà Giang vẫn còn những cây chè cổ thụ mà người ta gọi là “thủy tổ” của loài chè (!?). Có lẽ, cũng bởi thế, lâu nay, người Việt Nam luôn tự hào với công phu tẩm ướp, pha chè (trà) và thưởng thức chè.

Chè hương - loại chè ướp hương của các loài hoa, đặc biệt là hoa sen, hoa nhài là thứ chè mà người Việt ưa dùng nhất. Chè sen được sử dụng phổ biến từ lâu ở VN. Người HN cũng tự hào lắm lắm với thứ chè được ướp sen Tây Hồ một cách cầu kỳ và nhẫn nại. Cũng có một thứ chè khác: chè mạn. Tuy không ướp hương, nhưng loại chè này lại đặc trưng về sự tinh tế trong cách thưởng thức với những tiêu chuẩn phức tạp về chè, nước pha, ấm uống, cách pha… Chè tươi vốn là thức uống cổ xưa và phổ biến của người Việt. Dùng lá chè tươi, vò nhẹ và cho vào nồi nấu, sau đó thưởng thức bằng bát sành bên bếp lửa. Cách uống này chè tươi này có lẽ chỉ còn trong sách vở, nhưng cho đến giờ, chè tươi - với nhiều hữu ích cho sức khỏe - cũng đang dần trở lại với đời sống người nông thôn, thành thị, đến cả công sở, hay một góc vỉa hè…
Theo tác giả Vũ Thế Long, riêng với chè tươi, người Việt mỗi vùng lại có cách uống khác nhau: “Vùng núi Bá Thước - Thanh Hoá, đồng bào Mường uống chè tươi theo kiểu chọn những lá chè già, có gai, lá giòn xanh bóng bỏ vào cối giã nát rồi hãm với nước sôi uống nóng. Một vài nơi ở Hà Tĩnh thì người ta hái cả cành chè gồm có ngọn chè và cả thân chè rồi bẻ nhỏ, vò nát bỏ vào nấu trong ấm đất. Sáng dậy đi làm đồng, nhiều thợ cày chỉ làm vài bát nước chè tươi đặc nóng, hút điếu thuốc lào và ăn một vài củ khoai lang là no đến tận trưa. Người dân Huế thì lại chặt nhỏ cả cành lẫn thân chè phơi cho khô rồi đun nước uống dần. Từ nước cốt đầu tiên, người ta cứ pha thêm nước lã cho loãng dần và uống tiếp. Người Hà Nội cũng uống chè tươi. Không rõ lối uống chè tươi ở Hà Nội có xuất xứ từ đâu nhưng nước chè tươi là thứ nước uống của riêng một số gia đình và cũng là thứ uống bình dân ở các quán nước tại bến tàu, bến xe và bên vỉa hè…”. Cũng có người cho rằng, trước kia, chỉ cách nay chừng 50 – 60 năm, người Hà Nội còn chuộng một thứ nước uống khác: chè hạt. Chè hạt là nụ hoa chè phơi khô. Nước chè hạt màu nâu sáng hơi hồng, vị thanh, hơi chát…
Ướp trà sen
Không thể một lúc kể hết cái sự phong phú trong cách thưởng chè của người Việt. Vì hiện nay, chè Việt truyền thống đã biến tấu thành những chè túi, chè nhúng… đủ hương vị. Ngành công nghiệp chè đang trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế. Những vùng nguyên liệu chè khổng lồ, với hàng trăm ha vườn, đồi hình thành ở nhiều tỉnh, thành suốt dọc chiều dài đất nước. Hiệp hội Chè VN cho biết, trong các năm 2004, 2005, 2006, 2007, sản xuất và tiêu thụ chè xanh Việt Nam lần lượt đạt các mức tương ứng là 58, 68, 78 và 85 ngàn tấn, so với năm 2000 thì mức tăng trưởng hiện nay là 215%. Dự kiến đến năm 2010 sẽ đạt tổng mức 110 ngàn tấn/năm.
Không ít lần những lễ hội văn hóa chè được tổ chức ở nước ngoài để giới thiệu ra thế giới kiểu uống chè theo phong cách của người Việt. Nhưng đến giờ, không ít người trẻ vẫn mơ hồ lắm về văn hóa uống chè “made in Việt Nam” này.
“Ngày Chè Việt” (*) với lễ hội Ẩm thủy trà sẽ là cơ hội để bạn trẻ khám phá về nét văn hóa đậm chất Việt này. 100 chiếu chè sẽ được dựng ở vườn hoa Lý Thái Tổ - HN giới thiệu cách pha, uống chè và cũng để khẳng định rằng nghệ thuật pha chè, mời chè và uống chè là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt. Các nghệ nhân đến từ những “vựa” chè: Lâm Đồng, Thái Nguyên, Nghệ An, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai,... sẽ giới thiệu cách uống chè đặc trưng của mỗi vùng miền. Đặc biệt, danh trà Trường Xuân nổi tiếng đất Hà Thành cũng sẽ trình diễn cách pha trà ngay trước sự chứng kiến của quan khách.
Không phải ngẫu nhiên, BTC chọn một nơi linh thiêng, thành kính: Vườn hoa Lý Thái Tổ để tổ chức lễ hội này. Ông Kim Phong - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam - trong áo the, khăn đóng, đi guốc mộc sẽ thành kính đọc chúc văn: “Đội ơn Đất Trời/ cả vạn năm về trước/ đã cho nước Việt cây chè xanh tốt/ đội ơn Tổ Tiên/ cả ngàn năm qua/ đã dậy con dân Việt truyền nối nghề chè/ nhờ có chè mà có cơm có áo, có cửa có nhà/ chè đâu chỉ là thức uống thông thường/ chè còn là thứ thuốc dưỡng sinh/ là một nguồn của cải làm giầu/ chè phủ xanh cả vùng đồi núi/ cho môi trường trong sạch bền lâu. Theo sử sách/ thời Lý Thái Tổ chè đã trở thành đồ uống trong dân dã và cả trong cung đình/ nghi thức uống chè đã hình thành và dần hoàn thiện suốt cả ngàn năm. Chè Việt xưa được sào bằng tay/ mỗi lần vài rổ/ nay đã làm bằng máy mỗi mẻ cả ngàn cân/ xưa có chút chè để uống, để dâng cống/ nay đã có chè đem bán khắp cả địa cầu, thu về bạc tỷ/(Chuông trống, 3 tiếng)/ Thăng Long - Hà Nội qua ngàn năm vẫn dành đất trồng chè/ vẫn là nơi tụ hội các thương gia mưu lược thống lĩnh/ là nơi truyền bá văn hoá ẩm thuỷ chè/ là nơi mời khách ngoại quốc thưởng thức nước chè”.
“Ngày Chè Việt 2008” cũng được xác định là cuộc tập dượt cho một “đại lễ” của Chè: “Ngày Chè Việt ngàn năm” trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra vào năm 2010.
Chè Việt đã có mặt ở 118 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tất cả các Châu lục và đang đứng hàng thứ 5 trên thế giới cả về sản lượng và xuất khẩu. Việt Nam là một nước có hơn 80 triệu dân. Gần đây, thị trường nội địa được xác định là nguồn cầu góp phần phát triển sản xuất ngành chè trong nước. Sắp tới, Hiệp hội Chè Việt Nam sẽ kết hợp với các ngành hữu quan tổ chức điều tra xã hội học về nhu cầu tiêu dùng chè xanh và các loại chè tương tự nhằm khai thác lợi thế cạnh tranh của sản phẩm này và góp phần bảo vệ môi trường.
Hoàng Lê

"Nhiều người Việt chưa thấy giá trị của sinh hoạt xã hội"

Thứ Ba, 26/08/2008 11:24

Chủ Tịch IVCE Trần Thắng

(TT&VH) - Ra đời từ năm 2000, Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam (IVCE) đã tổ chức nhiều đợt giới thiệu phim VN (gần đây là Sống trong sợ hãi, Trái tim bé bỏng…), triển lãm tranh của các họa sĩ VN, biểu diễn âm nhạc dân tộc, thuyết trình văn hóa... tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 5-6 chương trình cùng với các hoạt động giao lưu với nghệ sĩ và trao đổi, thảo luận về tác phẩm. IVCE cũng thực hiện nhiều chương trình giáo dục như: gửi sách giáo khoa cho thư viện đại học, hội thảo du học Mỹ, phát triển quan hệ quốc tế giữa ĐH VN và Mỹ… TT&VH trò chuyện với ông Trần Thắng – người sáng lập viện và là Chủ tịch IVCE.

* Từ bỏ công việc của một kỹ sư cơ khí cho hãng động cơ máy bay Pratt & Whitney (Mỹ) với mức lương cao, anh tham gia điều hành IVCE hẳn có lý do... chính đáng?
- Sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí tại ĐH Connecticut năm 1997, tôi bắt đầu làm cho hãng Pratt & Whitney từ năm 1999. Song song với công việc chuyên môn, tôi thành lập và điều hành IVCE tại New York từ năm 2000. Kể từ năm 2004, chương trình ngày càng phong phú. Tôi phải xoay xở vì đều phải làm cả hai công việc cùng lúc. Ðầu năm 2007, khi dự án của tôi hoàn thành và phải đợi một dự án khác. Nhân dịp này, tôi tạm nghỉ một thời gian. Tôi muốn đưa IVCE đến với nhiều chương trình hiệu quả trong những năm tiếp theo. Được giáo sư Trần Văn Khê truyền cho cảm hứng, tôi càng dành thời gian quan tâm và tìm hiểu thêm về các hoạt động văn hóa. Thời gian gần đây, tôi càng nghiệm ra, giáo dục và văn hóa thực sự là nền tảng để phát triển xã hội VN.

* Chính phủ Mỹ khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội và coi đó là một trong những điều kiện ưu đãi khi bố trí việc làm. Ở VN có phong trào Thanh niên tình nguyện thu hút khá nhiều sinh viên tham gia nhưng do đất nước còn nhiều khó khăn nên chưa có nhiều chính sách ưu đãi tương xứng với họ. Theo anh, ta nên làm thế nào?
Chủ Tịch IVCE Trần Thắng
- Tôi muốn nói rõ là môi trường của sinh viên Mỹ như thế nào mà dẫn đến họ năng động. Tại ĐH Mỹ, sinh viên luôn được khuyến khích tự do suy nghĩ, sáng tạo, làm việc có niềm tin, sống có ý nghĩa, v,v… Môi trường đại học thì việc học là chính, nhưng nó không phải là tất cả. Trong năm học, sinh viên tham gia các hoạt động tùy theo sở thích của mình. Ðến dịp hè, sinh viên tiếp tục sinh hoạt; và sinh viên có điều kiện thì đi ra nước ngoài học tập, nghiên cứu, hay làm việc cho các tổ chức NGO (tổ chức phi lợi nhuận). Khi gởi đơn xin đi làm hay đi học lên cao thì các công ty hay trường đại học sẽ xem điểm học và kinh nghiệm làm việc. Kinh nghiệm làm việc được thể hiện qua các chương trình sinh hoạt hay tự nghiên cứu. Chương trình sinh hoạt giúp cho sinh viên biết cách hòa nhập trong một hệ thống, biết cách ứng xử trong công việc.
Ðối với những sinh viên làm việc những vùng như châu Phi thì nói lên sự say mê to lớn, sự dấn thân cho một lý tưởng... Đó là những giá trị cao quý mà những người tại công ty hay trường đại học muốn thấy ở người sinh viên. Chúng ta thấy một chuỗi đã được hình thành là: có môi trường tốt để sinh viên tự phát triển bản thân, để dấn thân vào hoạt động xã hội và để được xã hội đón nhận và ưu ái.
Hoạt động xã hội được coi là một kỹ năng quan trọng của giới trẻ phương Tây. Là Hoàng tử Anh quốc nhưng Harry không ngần ngại đến Châu Phi bê vác, dựng nhà cho trẻ mồ côi.

Tại VN, nhiều người chưa thấy giá trị của sinh hoạt xã hội. Tôi nghĩ, vấn đề này còn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội. Tồn tại này không chỉ ở VN mà có thể nói cả châu Á, ngoại trừ Nhật. Theo tôi, điều mà VN nên thực hiện bây giờ là nghiên cứu chính sách về tổ chức phi lợi nhuận (NGO) để tiến đến cho phép thành lập tổ chức này một cách rộng rãi hơn nữa ở VN. Trong khoảng 10-20 năm nữa, sẽ có nhiều tư nhân giàu có xuất hiện trong xã hội và nhiều người trong số họ muốn thành lập những tổ chức NGO. Khi ấy, ta đã có hệ thống NGO để đáp ứng nhu cầu này.

Sinh hoạt xã hội hiện nay tại nhiều trường đại học vẫn còn mang nặng chất “phong trào”. Tôi nghĩ, những hoạt động xã hội này sẽ dần dần không còn phù hợp với trào lưu bây giờ. Sinh hoạt xã hội là từ tấm lòng, từ niềm đam mê, từ sở thích, từ chuyên môn, từ điều kiện của mỗi người; và sinh hoạt trong một tổ chức thông thoáng và cởi mở, thì như thế mới phát huy hết sức mạnh của hoạt động xã hội.

* Tham gia các hoạt động xã hội hay các chương trình vì sự nhiệp chung, suy cho cùng xuất phát từ nhận thức của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo anh, có phải giáo dục ý thức cộng đồng còn là điểm khuyết thiếu trong chương trình và hệ thống giáo dục ở VN?

- Suy cho cùng thì giáo dục, giáo dục và giáo dục sẽ tạo cho chúng ta những nhận thức về xã hội hay có được những hiểu biết tốt trong những vấn đề khác. Giáo dục VN tập trung về kiến thức trong giáo trình mà ít hướng học sinh & sinh viên đến sự sáng tạo tìm kiến thức bên ngoài. Giáo dục VN mờ nhạt trong việc hướng dẫn cho các bạn trẻ về trách nhiệm của người trẻ đối với xã hội. Ðội ngủ giáo viên hay những nhà quản lý giáo dục cũng không đánh giá cao trong việc học sinh & sinh viên tham gia hoạt động xã hội. Môi trường như vậy không thuận lợi cho việc kích thích các bạn trẻ dấn thân vào công việc xã hội.

Sự tham gia công tác xã hội không những giúp cho các bạn trẻ năng động hơn & sáng tạo hơn trong việc học và việc làm mà còn tạo dựng được một giá trị cộng đồng. Giá trị cộng đồng là một di sản của xã hội bởi mọi người đều ý thức làm đẹp cho xã hội.

* Anh và những người tham gia IVCE có dự định “vác tù và hàng tổng” trong thời gian bao lâu?

- Chúng tôi sẽ làm hoài đến một khi nào chúng tôi thấy không còn gì nữa để làm!

* Xin cảm ơn anh và chúc anh và IVCE tiếp tục bắc những nhịp cầu văn hóa và giáo dục từ VN đến với thế giới!

Hải Đông

Câu chuyện của một "người Việt xấu xí"

Thứ Ba, 22/07/2008 08:59

Một câu chuyện có thật mà nhân vật chính trong câu chuyện là tôi. Mỗi lần nhớ lại nhiều cảm xúc lại ùa về song điều quan trọng nhất ở câu chuyện đó vẫn là một bài học không thể nào quên. Chuyện xảy đến vào một trưa hè nóng nực...

Tôi còn nhớ rõ hôm ấy tôi phải làm việc cả ngày nên buổi trưa không về nhà mà tranh thủ dạo chơi phố cổ Hà Nội. Một thú vui mà từ khi đi làm tôi quên bẵng đi vì thời gian cho công việc đã ngốn hết. Đang trên đường Lý Quốc Sư, tôi nhìn thấy một của hàng dây chuyền đã được giới thiệu trên truyền hình liền ghé vào với ý định ngắm là chính.

Tác giả bài viết (bên trái) cùng 1 người bạn người nước ngoài


Khi tôi bước vào chỉ có một cô bán hàng với một vị khách nam. Họ đều là người Việt. Bất ngờ trước vẻ đẹp trang sức đã khiến tôi thốt lên: "Beautiful". Cô bán hàng vẫn để mặc tôi bởi đang bận tính tiền. Anh thanh niên trả tiền mua một cặp vòng đôi để đeo tay và tặng bạn gái nhưng cô bán hàng không có tiền để trả lại. Người khách mua hàng chìa tờ năm trăm nghìn về phía tôi. Tôi hiểu ý anh ta muốn đổi tiền bèn rút ví đưa cho anh ta năm tờ một trăm nghìn rồi tiếp tục nhìn vào tủ trang sức.

Sau khi người thanh niên rời đi, cô bán hàng bây giờ mới đến gần và nói tiếng Anh với tôi. Tôi ngỡ ngàng giây lát rồi chợt hiểu ra cô bán hàng và người khách lúc nãy nhầm tôi là người... nước ngoài. Chắc họ không nhầm tôi là Việt kiều thì cũng nhầm tôi là người Hoa hay Nhật gì đó đang du lịch Việt Nam bởi bề ngoài tôi ăn mặc như người nước ngoài đi du lịch với áo phông và quần lửng ống rộng (trời nóng nên tôi mặc đồ rộng cho thoải mái) trên tay còn cầm chai nước (cũng vì thời tiết quá oi bức quá!). Vốn là người ưa khám phá, một ý nghĩ lóe lên là sao mình không nói tiếng Anh và vờ làm người nước ngoài nhỉ? Họ đã nhầm tôi với người nước ngoài thì cho nhầm một thể xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Sở dĩ tôi có thể nghĩ ra một chuyện kì quặc ấy vì vốn tiếng Anh giao tiếp của tôi đủ dùng, phát âm rõ ràng.

Màn “đóng kịch" của tôi bắt đầu khi tôi nói tôi muốn mua một giây chuyền cho nam mặt đá pha lê. Sau vài lần cầm lên đặt xuống cuối cùng tôi cùng tìm cho mình chiếc dây chuyền ưng ý. Điều tôi chú ý trong cửa hàng ấy là khi tôi nhận lại tiền thừa. Cô bán hàng hai tay cầm đồng xu năm nghìn bé tí "kính cẩn" đưa cho tôi với điệu bộ mà tài ngôn ngữ của tôi bất lực chỉ biết rằng tôi đã phải nhịn cười. Rời cửa hàng tôi thầm nghĩ nếu mình vẫn đóng giả là người nước ngoài thì sẽ được đối xử ra sao? Hình như những người bán hàng rất có thiện cảm với người nước ngoài hơn thì phải? Hai câu tự hỏi ấy quyện vào nhau và thôi thúc tôi tiếp tục đóng kịch để tìm câu trả lời cho mình.

Tôi đến quán ăn nhanh ở phố Bát Đàn gọi món mì Ý. Cách đó một tháng, lần đầu khi đến đây cùng với một nhà thơ già, tôi cũng gọi món mì Ý và người phục vụ đã đưa đĩa mỳ cho nhà thơ già một cách bất lịch sự không thèm nhìn mặt khách hàng cứ thế đặt mạnh đĩa mỳ xuống bàn cứ như đưa của bố thí vậy! Cái cách đưa đĩa mỳ tiếp theo cho tôi chắc không cần phải nhắc lại. Lần trở lại thứ hai, vẫn là tôi thôi chỉ khác ở ngôn ngữ tôi sử dụng. Khi tôi nói tiếng Anh với họ thì sự phục vụ và lời nói đã nhã nhặn, lịch sự biết bao.

Những tà áo dài Việt Nam được tôn vinh tại cuộc thi HHHV

Dùng xong món mì, tôi dùng cafe tại chỗ. Lúc này tôi mới để ý bốn cô ở bàn đối diện đang nhìn tôi chăm chú. Một cô gái tiến về phía ngồi tôi. Một cách nhanh nhất có thể tôi đứng dậy đi đến quầy thanh toán. Bởi nếu ngồi lại và nói chuyện chắc chắn cô gái ấy sẽ hỏi tôi câu hỏi mà tôi không muốn trả lời: “Where are you from?” (Anh đến từ đâu?). Cái thời khắc mà tôi đứng dậy cũng là lúc hạ màn cho vở kịch. Và khi mọi chuyện đã kết thúc tôi mới ý thức được chuỗi thành động vừa rồi của mình mới lố bịch làm sao! Tôi ra về trong im lặng giữa sự ồn ào của phố phường.

Buổi tối ở nhà tình cờ xem một diễn đàn trên mạng phản ánh chuyện các bạn trẻ Việt Nam ra nước ngoài du lịch luôn nhận mình là người Nhật Bản, Hàn Quốc chứ nhất quyết không nhận: “Tôi là người Việt Nam”. Những người có tâm lý sính ngoại tự biến mình thành người ngoại quốc bị gọi là "người Việt xấu xí". Một số người đặt câu hỏi: "Sao họ không nhận mình là người Việt?" Với tôi câu hỏi ấy không hề hóc búa, trái lại còn rất dễ hiểu vì tình cờ cũng hao hao với câu chuyện mà tôi vừa kể. Họ tự biến thành người nước ngoài bởi tính từ “người Việt Nam” trong đầu người nước ngoài là một từ mang nhiều nghĩa… không tốt dẫn đến sự đối xử không công bằng.

Nghĩ lại màn kịch đã là thời quá khứ, người đáng trách đầu tiên chính là tôi. Nếu trong cửa hàng trang sức đó tôi không thốt lên từ "Beautiful" mà thay bằng từ “Đẹp” hoặc “Tuyệt vời” thì sẽ không có sự hiểu nhầm và trong đầu tôi cũng không hề có ý định "giả Tây" làm gì. Tôi không phải là người sính ngoại đến mức tự đánh mất quốc tịch nhưng tôi cũng nhiễm thói quen dùng tiếng nước ngoài quá mức rồi! Tiếng nước mình đủ phong phú để diễn đạt cảm xúc sao tôi lại không nói tiếng Việt? Một cách vô thức tôi đã trở thành một "người Việt xấu xí" mà không hay!

Câu chuyện của tôi được viết ra không phải để chỉ trích hay giáo dục ai đó. Tôi chỉ là một người kể chuyện của mình chia sẻ với các bạn mong muốn tính từ "người Việt Nam" mỗi lần vang lên không hề mang nghĩa xấu xí.
Hàm Đan

Bản sắc, tiếp biến và phát triển

Thứ Sáu, 02/10/2009 08:07

(TT&VH Cuối tuần) - Ai cũng biết, sự sống tồn tại bằng biến đổi, hay như cách nói của các nhà khoa học, bằng “trao đổi chất” (métabolisme). Sống tức là thường xuyên trao đổi chất với môi trường quanh mình, nghĩa là thường xuyên có một cái gì đó chết đi, bị đào thải, một cái gì đó khác được thay vào; nhưng mất đi và thay vào như thế nào đó để sự vật vẫn là sự vật ấy, vừa vẫn là chính nó, vừa đã được phát triển lên. Tức đào thải và thay thế, nhưng có một cái lõi xuyên suốt nào đó vẫn còn. Hình như khoa học gọi cái đó là “gen”.

Văn hóa càng như vậy. Phương thức tồn tại của văn hóa không phải là tĩnh tại, mà là biến đổi; không biến đổi, không phát triển, thì không còn là văn hóa, khi đó chỉ còn văn hóa chết. Bàn về bản sắc dân tộc sẽ là một cuộc bàn bạc không dễ dàng, là vì có chuyện: biến đổi như thế nào, để phát triển mà vẫn là mình, vẫn giữ được một cái lõi, cái “gen”. Ta muốn ta là một bộ phận của thế giới, văn hóa ta là một bộ phận của văn hóa thế giới, thậm chí là một bộ phận đặc sắc. Nhưng để thể thành một bộ phận như vậy, thì phải hòa nhập, tiếp nhận, đồng thời lại có được sự độc đáo của ta. Là ta được phát triển bằng tiếp nhận. Người ta gọi điều đó là tiếp biến.

Vấn đề là tiếp biến như thế nào?


Văn học Nhật Bản
Cách đây mấy hôm, tôi có được dự một buổi thuyết trình của giáo sư Mitsuyoshi Numano thuộc trường Đại học Tokyo về Lịch sử và đặc trưng của văn học Nhật Bản. Ông đã nói rất sâu sắc về những đặc trưng lâu dài và nổi bật không chỉ của văn học, cũng không chỉ của văn hóa, mà còn của cả dân tộc Nhật. Mitsuyoshi chỉ ra một điểm rất quan trọng: trong khi ở phương Tây sự phát triển trong văn học (và như vừa nói, không chỉ trong văn học) bao giờ cũng bằng con đường đấu tranh, đối đầu, một chủ thuyết mới, một trường phái mới ra đời bao giờ cũng bằng phủ định một chủ thuyết, một trường phái cũ; thì người Nhật, văn học Nhật, phát triển không phải bằng đấu tranh giữa các dạng thức, cái sau phủ định cái trước, mà bằng dạng thức mới chồng đắp lên dạng thức cũ. Cái mới đến, không phủ định cái cũ, mà chồng đắp lên đó, hòa vào đó, tạo nên cái mới đa dạng hơn, giàu có hơn.

Ông nói: “... Mặc dù vào một thời kỳ nào đó có thể xuất hiện những hình thức văn hóa và ý thức thẩm mỹ mới, song chúng không bao giờ xóa bỏ hoàn toàn hình thức và ý thức thẩm mỹ trước đó, ngược lại chúng kế thừa những cái cũ và bồi đắp thêm những cái mới để tạo ra một dòng chảy văn học sử. Chẳng hạn... thể loại thơ tanka... có lịch sử lâu đời nhất (hơn một nghìn năm), tuy nhiên nó vẫn song song tồn tại cùng hai thể loại thơ ra đời sau đó là haika (cũng còn gọi là haiku) và thơ hiện đại... Sự xuất hiện của thơ hiện đại không làm tanka hay haiku mất đi...”.


Người Nhật không sợ cái ngoại lai, không đối lập cái ngoại lai với cái gọi là “bản sắc” hay “truyền thống”, họ tiếp nhận thoải mái tất cả những gì tốt đẹp nhất đến từ bên ngoài, và coi cái gọi là “bản sắc” của Nhật Bản là tất cả những cái tốt đẹp đó được “chồng đắp” lên không ngừng, cho đến hôm nay, và sẽ còn tiếp tục mãi

Quả thật, thể loại thơ đã có từ hàng nghìn năm nay vẫn tồn tại, có người viết và có độc giả đông đảo cùng lúc với thơ hiện đại, là một hiện tượng hết sức đặc sắc. Theo chỗ tôi được biết, đây là một đặc điểm, thậm chí có thể gọi là một bản lĩnh vô cùng quan trọng của văn học, văn hóa, của tính cách Nhật Bản, tạo nên cái ta thường gọi là sự thần kỳ Nhật Bản, tạo nên nước Nhật hùng cường ngày nay. Người Nhật không sợ cái ngoại lai, không đối lập cái ngoại lai với cái gọi là “bản sắc” hay “truyền thống”, họ tiếp nhận thoải mái tất cả những gì tốt đẹp nhất đến từ bên ngoài, và coi cái gọi là “bản sắc” - như ta thường nhấn mạnh một cách lo lắng - của Nhật Bản là tất cả những cái tốt đẹp đó được “chồng đắp” lên không ngừng, cho đến hôm nay, và sẽ còn tiếp tục mãi.


Có điều khá kỳ lạ: người Nhật rất ít nói đến bản sắc truyền thống dân tộc, họ không có quan niệm “hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc” vậy mà ai cũng biết, họ là một dân tộc giữ được cái chúng ta vẫn gọi là bản sắc một cách bền vững, sâu sắc, đậm đà nhất, đồng thời cực kỳ hiện đại, tự nhiên, thoải mái như không. Thậm chí Haruki Murakami, nhà văn hàng đầu của Nhật Bản hiện nay từng nói một câu rất lạ: “Tôi không nợ một giọt nào của truyền thống Nhật Bản cả”. Dù ông chịu ảnh hưởng mạnh của văn học Mỹ, những vấn đề trong các tác phẩm của ông là những vấn đề hết sức hiện đại của xã hội Nhật và của thế giới... Nhưng hãy đọc Murakami mà xem, ông vẫn vô cùng Nhật Bản... Nói một cách chính xác, ông hiện đại một cách rất dân tộc, ông dân tộc một cách hiện đại, hoặc đúng hơn nữa, ông là dân tộc hiện đại...

Thật ra quan niệm về tiếp biến và phát triển của Nhật Bản vừa nói trên không hoàn toàn xa lạ với chúng ta, thậm chí còn có thể nói sở dĩ dân tộc ta, văn hóa ta tồn tại được qua suốt lịch sử lâu dài, không bị đồng hóa bên cạnh một nền văn hóa rất lớn và luôn muốn mở rộng ảnh hưởng, chính là vì cha ông ta cũng từng hành xử giỏi như người Nhật. Tam giáo đồng nguyên là một đặc sắc của văn hóa Việt. Thậm chí còn có thể nói đến "tứ nguyên": cha ông ta đã tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo trên cơ sở văn hóa bản địa có từ Hùng Vương, tạo nên sức mạnh tổng hợp của văn hóa Việt. Và về sau lại còn tiếp nhận cả văn hóa phương Tây, tạo nên một đa nguyên văn hóa phong phú, đặc sắc… Suốt lịch sử rất khó khăn, chúng ta đã phát triển không phải bằng đối đầu, mà bằng chồng đắp văn hóa. Và, nếu tôi nhớ không sai, hình như cha ông ta ngày trước cũng rất ít khi nói về cái mà ngày nay ta gọi là "bản sắc", khư khư giữ bản sắc với một nỗi lo sợ ngay ngáy thường xuyên.


Liền anh, liền chị hát quan họ

Cũng cần nói cụ thể hơn chút nữa về ứng xử văn hóa đặc biệt này. Để thực hiện đồng nguyên văn hóa trong điều kiện không dễ dàng và yên tĩnh của lịch sử - thường xuyên phải chống ngoại xâm, nguy hiểm hơn cả là ngoại xâm văn hóa - cha ông ta không chỉ có quan niệm đặc sắc về tiếp biến văn hóa, mà còn biết tạo ra một cơ chế rất độc đáo cho tiếp biến ấy: du nhập chủ yếu ở cấp "trung ương", cấp triều đình, cấp "toàn quốc", cấp công khai, đồng thời giữ vững tính bản địa ở cấp làng, tức trong từng tế bào sâu xa và cơ bản nhất của xã hội, lấy đó làm cái nền cho sự du nhập kia..

Cũng có thể nói thêm, dù còn rất sơ lược thôi - về trí tuệ và nghệ thuật tiếp biến rất đáng để chúng ta ngày nay nghiên cứu và suy ngẫm. Xin thử lấy hai ví dụ:

1. Có nhà nghiên cứu cho rằng điệu quan họ tuyệt vời được coi là độc đáo Việt Nam lại có nguồn gốc từ Chàm, hoặc ít ra chịu ảnh hưởng sâu của Chàm. Sinh thời, anh Trần Quốc Vượng có lần nói: không chỉ một mà có thể có hai con đường chuyển động của nghệ thuật: hoặc từ nghệ thuật dân gian, được đúc kết, nâng cao mà lên thành nghệ thuật cung đình; hoặc cũng có thể có một con đường khác, từ nghệ thuật cung đình chuyển "xuống" thành nghệ thuật dân gian. Các triều đình Việt, từ Lý, đặc biệt từ Trần, Lê … rất say mê nghệ thuật Chàm. Nghệ thuật Chàm qua con đường tù binh Chàm, cung tần mỹ nữ Chàm bị bắt trong cuộc chiến, được đưa về các làng quanh Thăng Long (cho đến nay nhiều làng quanh Hà Nội vẫn còn mang tên có dấu vết Chàm) … thâm nhập vào triều đình. Và từ triều đình, từ nghệ thuật cung đình, theo những con đường có thể quanh co nào đấy mà lan xuống vùng Kinh Bắc, vốn là cái nôi lâu đời của văn hóa Việt. Không phải ngẫu nhiên nó lan xuống trước hết và sâu nhất ở đấy: vùng sâu đậm, gốc gác nhất của văn hóa Việt. Chính nơi có bản lĩnh văn hóa gốc, sâu nhất đã thu hút, và mới thu hút được tinh hoa của nhạc Chàm, vòng qua con đường cung đình, để Việt hóa và lại dân gian hóa, tạo nên điệu quan họ còn tuyệt mãi cho đến ngày nay… Có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các loại dân ca của ta, quan họ có đặc điểm rất "sang", sang cả về nhạc lẫn lời, một sự cực sang đã được dân gian hóa đến nhuần nhuyễn, một sự dân gian mà tinh tế đến "quý phái" như cung đình …

2. Cũng còn có người cho rằng điệu lục bát đến từ ảnh hưởng Chàm. Dù đây còn là một giả thuyết, nhưng ít ra ta cũng có thể thể thấy cho đến Nguyễn Trãi (thế kỷ 15), một nhà thơ nôm sớm nhất và cũng gần gũi với dân gian nhất, thơ Việt chưa hề có dấu vết lục bát; trong khi thể lục bát phổ biến trong nghệ thuật cổ Chàm. Hình như người Việt đã tiếp nhận thể thơ nay đã thành tiêu biểu cho tâm hồn Việt này khi đi về Nam, trong hòa trộn văn hóa với các dân tộc ở vùng đất phương Nam, và bản địa hóa, "dân tộc hóa" nó thành của mình … Nghĩa là chúng ta cũng đã phát triển bằng chồng đắp, chứ không phải bằng đối đầu, phủ định. Người Việt, văn hóa Việt từng có cái tâm thế cao đẹp, thông minh và hiệu quả đó.

Xin thử đặt ra câu hỏi thứ nhất: Có phải, từ một lúc nào đó, do những nguyên nhân nào đó, chúng ta đã để mất đi cái tâm thế ấy? Ảnh hưởng của một tâm thế cơ giới phương Tây chăng? Hay của một hệ ý thức quá đậm những nhân tố máy móc nào?

Mất đi cái tâm thế này thì sẽ dẫn đến rối trong tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, sợ và kỳ thị với cái lạ, cường điệu cái gọi là "bản sắc", dù thật ra cũng không ai nói được cho thật rành rẽ cái đó là cái gì. Tôi đồng ý với nhà nghiên cứu Phan Ngọc khi ông cho rằng bản sắc không phải là một vật, một cái cụ thể đã có từ bao giờ, hoặc nhận được trong một lúc nào đó, và không thay đổi. Mà là một kiểu, chẳng hạn kiểu ứng xử văn hóa bằng đối đầu, hay kiểu ứng xử văn hóa bằng chồng đắp. Hiểu như vậy thì chính khi khư khư lo sợ giữ bản sắc, chưa tiếp nhận đã lo mắt bản sắc, vừa tiếp nhận vừa nơm nớp lo sợ mất bản sắc, nghịch lý thay ta lại đánh mất bản sắc, tức là cái bản lĩnh tự tin và nhẹ nhàng chồng đắp, đồng nguyên văn hóa cha ông ta từng đạt được suốt lịch sử lâu dài, đầy khó khăn.

Có phải một trong những vấn đề bây giờ là trở lại cho được cái tâm thế thoải mái và tự tin đó. Có lẽ sẽ đỡ đi nhiều rối rắm đang dày vò chúng ta hôm nay.

“Xu hướng hội nhập một mặt dẫn tới chủ nghĩa quốc tế trên mọi lĩnh vực, mặt khác làm nổi rõ nhu cầu về bản sắc dân tộc. Bởi vì nếu không có những điểm chung nhất định (tính quốc tế) thì không thể giao lưu, nhưng nếu không có cái riêng (bản sắc dân tộc) thì không có nhu cầu về trao đổi”.


Nguyên Ngọc

Bụi xe mờ bóng phố

Thứ Tư, 07/10/2009 10:44
(TT&VH Cuối tuần) - 1. Tôi mới tới xem một triển lãm sắp đặt có cái tên nghe như một câu thơ cảm thán: Bụi, xe mờ bóng phố... ở Viet Art Centre (42 Yết Kiêu - Hà Nội). Tác giả của triển lãm này là họa sĩ trẻ Bàng Nhất Linh. Có thể so sánh triển lãm này với một “khúc biến tấu thơ”.

Khúc đầu tiên có tên là Hà Nội. Hà Nội thì chẳng của riêng ai, Linh đúc gần 100 cái Tháp Rùa nhỏ để trên giá gỗ và mời người xem tô vẽ tùy ý lên những bức tượng này. Chỉ sau ba ngày, gần một trăm Tháp Rùa nhỏ được tô màu tuyệt đẹp, giống như những cảm xúc ban đầu đẹp đẽ phong phú của bất cứ ai đến với Hà Nội.

Khổ thơ thứ hai có tên là Đô thị, có chút hài hước hơn khi tác giả sử dụng... 200 cái bếp than tổ ong (những thứ hun khói phố cổ) để kết thành một cái hình đồng hồ cát mô phỏng kiến trúc của thành phố. Những thứ đẹp đẽ bị đốt mất không thương tiếc (như bị đốt mất trong bếp lò) trong khi những tòa nhà cao giả cổ tân thời trưng ra cái vẻ sáng bóng và nhẵn nhụi lố bịch...

Khổ thơ thứ ba có tên là Bước qua thềm phố. Họa sĩ đã “chiết xuất” hẳn một căn nhà trên phố cổ với cửa thật, một cái giường trong ánh sáng vàng vọt và rất nhiều... ống nước cùng dây điện với cảm giác như ta bước vào một cái hầm tra tấn.

Khổ thơ thứ tư có tên là Phía trên là bầu trời. Nghe có vẻ như bay bổng hơn. Nhưng cái sự bay bổng này cũng ngậm ngùi lắm. Họa sĩ dựng một bức tường giả gạch bằng xốp, nhét hẳn một cái xe máy Cub 80 thật “long lanh” vào đó, người có thể ngồi lên. Một mặt, thì trông như người và xe bị kẹt cứng (giống như ta bị kẹt xe trong thực tế) ở trong bức tường gạch. Mặt bên kia là một sự trớ trêu của thân phận những người dân thường chúng ta: Ta cứ tưởng ta đang bay lơ lửng trên mây trời xanh ngắt...

Khổ cuối cùng, có tên ngắn gọn là Phố. Đó là hình ảnh tổng thể của “phố phường chật hẹp người đông đúc” bây giờ với cao ốc, xe bus, ô tô, xe máy... chen lấn và chèn cựa lên nhau từ cao xuống thấp.



Tác phẩm công phu này cho người xem một ấn tượng chân dung rất đậm nhiều mặt về đô thị hiện nay. Đó là tiếng nói của một họa sĩ trẻ, không kêu than, không hoài niệm, chỉ phơi bày và việc phơi bày thản nhiên đó sẽ động tới cảm giác của người xem. Chắc khán giả xem triển lãm “như một bài thơ” này sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng tác giả trẻ Bàng Nhất Linh có mang trong mình “gen” thơ. Anh là cháu họ gần của người thi sĩ đồng quê tiền chiến có câu thơ đã đi vào “ca dao thiên cổ” là ông Bàng Bá Lân (Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi).

2. “Bài thơ” của Linh không dưng làm tôi nhớ câu chuyện thất tình cách đây gần 20 năm của anh trai tôi. Anh vật vã đau khổ, uống rượu cứ như trong phim diễm tình Hàn Quốc. Bố tôi cáu quá, bèn an ủi “kiểu đàn ông” thế này: “Con gái nó như lứa hoa ấy mà. Hết lứa này có lứa khác trẻ hơn, đẹp hơn. Không sắm được “babetnhè” thì sẽ có tiền được xe cub, không sắm được cub thì còn dành tiền mà tậu Dream. Chứ mày mà cho cái “babetnhè” đã sang, cố mà mua lấy thì có khi phải sống cả đời với nó, chắc gì đã đổi được...” Bố tôi nói xong thì bị mẹ tôi lườm. Nhưng chục năm sau thấy quả đúng, anh tôi dành hết sức vào sự nghiệp làm ăn, cuối cùng cưới cô vợ trẻ kém hẳn tuổi anh một giáp, đẹp như tiên...

Nghĩ lại chuyện này, tôi nhớ đến đại ý mấy câu mà Bác Hồ đã trích từ Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ khi Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Con người sinh ra đều có quyền tự do bình đẳng bất khả xâm phạm. Đó là quyền được sống, được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc...” Chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Chúng ta hay cười cợt rằng mơ ước “vợ đẹp, con khôn, nhà cao, cửa rộng... chó dữ, bạn hiền” (và gần đây là thêm xe bốn bánh xịn) là “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Nhưng nếu có đi cùng trời cuối đất, gặp nhân dân của các nước Tây, Tàu đủ loại thì thấy đã là con người, đa số cũng chỉ có từng ấy ước mơ giông giống thế mà thôi. Nhưng có điều cái cách thực hiện ước mơ, cái cách “mưu cầu hạnh phúc” ấy là khác nhau. Có người tiến tới bằng nỗ lực lao động sản xuất, chân chỉ hạt bột. Có người thì bằng kiếm chác, lèo lá, đánh quả. Có người thì bằng mua quan bán chức, chạy chọt. Có người thì bằng cầu cúng, buôn thần bán thánh...


Niên biểu của văn minh đi lại ở ta đang tiến tới “Đại... ô tô, Kỷ... xe máy”. Cả nước có vài chục triệu xe máy, dồn đống tập trung ở các thành phố lớn. Đi xe máy ở trên phố thì đủ thứ khó chịu. Nào là tắc đường, chèn lách nhau, có kẻ vượt đèn đỏ mà chẳng bị phạt... Đội mũ bảo hiểm nóng nhức đầu dưới cái nóng 40 - 50 độ trên mặt đường trong khi đi với tốc độ 20 - 30km để ngửi khói xe, khói bụi, khói bếp than tổ ong. Ban đêm ô tô chiếu đèn vào mắt người đi xe máy chẳng thèm hạ. Khổ nhất là trời mưa mới chứng kiến đủ cái vô học của văn hóa đi. Xe ô tô (nhất là taxi) phóng vèo qua tạt nước thản nhiên vào xe máy hai bên đã đành. Những con xe máy to, gầm cao bô cao cũng phóng vèo qua hắt nước lên người bên cạnh một cách... rất mất dạy.

Mà sao phố dễ ngập dễ đọng thế. Hơi tí là ngập. Trời mưa trời nắng nhìn cai ga ngôi trong xe bôn ban h cun g ưc thật, ngồi điều hòa mát lạnh, không phải hít khói bụi, mặt cứ nhơn nhơn. Thế là phải vay mượn (hoặc nghĩ trò kiếm chác) để sắm cho bằng được cái xe bốn bánh. Thế nhưng cuối cùng ta nhận ra rằng mình phí đời, tốn cả kinh tế đất nước để sắm thêm một cục rác cho cái đống rác cơ giới đang ngập ngụa lên mà thôi. Nhìn những ngày nghỉ, có đợt tắc xe trên đường quốc lộ dài tới 50 km từ Pháp Vân tới tận Phủ Lý mà kinh. Sắm phương tiện rõ nhanh, đẹp, đắt hơn. Mà cái đích hạnh phúc ta vẫn tới chậm, là thế.

Ngày xưa đã có những thời có cái xe máy đẹp, cái xe đạp mi - pha là đổi hẳn được mấy cái nhà, cưới được cô gái đẹp nhất phố. Bây giờ thì những cái đồ đó rẻ bèo, giá trị lại đổi sang sốt đất đai, nhà cửa, chúng ta lại đổ xô đi mua đất đai, nhà cửa như một bầy kiến chạy theo mồi... Mới thấy rằng cả đến mơ ước, ta cũng chưa có “văn hóa mơ ước”, chỉ sốt sắng mơ cái ngọn, hoặc bị đám đông xô đẩy mà thành ra... mơ nhầm! Giấc mơ của đám đông chúng ta chẳng phải là một giấc mơ lớn lao gì đáng kể, chỉ là tập hợp hỗn độn của vô số những giấc mơ con con rời rạc lỏng lẻo. Và hậu quả được “hiện thực hóa” của tập hợp hỗn độn những giấc mơ con ấy là tập hợp hỗn độn của một đống xe cộ và nhà xấu ngập ngụa trong biển khói, bụi...


3. Năm “phần tử” của phố xá Hà Nội được họa sĩ dựng chân dung một cách xác đáng và hài hước như vậy. Ít ai biết họa sĩ là một thanh niên Hà Nội “xịn” và đang sống tạm bằng nghề... độ xe máy. Những mô - típ, chất liệu tạo hình... trong triển lãm đầu tay này của anh đều liên quan đến hai yếu tố kể trên. Và xem triển lãm này, nó làm tôi nghĩ đến những từ gọi là “văn hóa mơ ước” của chúng ta. Chúng ta đã có cái chữ “văn hóa” chưa, kể cả trong cách ước mơ và mục đích mơ ước?

Vũ Lâm

Ngẫm ngợi cuối tuần: Đi chùa

Thứ Bảy, 14/02/2009 10:08

(TT&VH) - Những năm còn bé bám đuôi mẹ đi lễ chùa vào dịp tết, tôi được nghe giảng giải: Đây là Quan thế âm Bồ tát cứu khổ cứu nạn... Bà hướng mắt vào quan võ dữ dằn, giải thích: Còn đây là Bát bộ kim cương thần thông biến hóa, có tài tiễu trừ ma quỉ. Các ngài xưa đều là dân lục lâm thảo khấu, nhưng rồi được Phật giáo hóa, ngộ ra theo vào cửa Phật nên được thành chính quả.

Khi đến vòm phù điêu mô tả Thập điện diêm vương thì tôi kinh hãi nhất. Ở đấy là các cảnh tội nhân bị xử tội nấu vạc dầu, bị lũ quỉ đầu trâu mặt ngựa hành hạ bẻ răng rút lưỡi, cưa xẻ, bị cho vào cối giã, bị dìm xuống nước... Mẹ bảo đó là những người khi ở dương gian mắc muôn vàn thứ tội nên khi chết phải đi qua mười cửa điện âm phủ để diêm vương xét xử, phải bị quỉ xứ hành hạ cho đến bao giờ hối cải mới mong được đầu thai trở lại làm người. Những kẻ tham lam lừa lọc lấy cắp nhiều của cải nhiều quá thì phải vào kiếp trâu cày ngựa kéo để trả nợ trần gian, bị hành hạ đòn roi. Có người phải vào kiếp chó để dọn phân, canh cửa giữ nhà... Cho nên sống kiếp này phải nhớ kiếp sau...

Chuyện nhà chùa mở ra trước mắt tôi như một cuốn sách luân lí. Đó là bài học đạo đức đầu tiên tôi học trong đời.

Xuân này, về quê, mẹ nhắc tôi: Đi đâu thì đi, nhưng nhớ lên chùa thắp hương. Tôi nghe lời bà trở lại chùa làng. Chùa nay không cổ kính rêu phong như tôi tưởng mà đã được tu sửa khang trang, tượng được sơn son thếp vàng bóng bẩy. Người đi chùa khá đông. Không chỉ các vãi già như xưa, mà đám nam thanh nữ tú dắt tay bá cổ nhau cũng nhiều lắm. Lại áo quần xí xớn đủ kiểu. Khấn vái cũng xì xụp chen nhau. Họ đi nhanh qua các bệ thờ, bỏ nhanh lên bệ những tờ hai hai trăm khó tiêu ngoài chợ để Phật chứng giám lòng thành. Rồi lễ thì như làm khoán, hai tay chắp vái lia vái lịa giống cảnh băm bèo. Xem ra lòng thành kính cũng pha chất vội vàng. Chùa còn đủ cả Bát bộ Kim cương, Thích Ca Tam thế,... nhưng mặt động có cảnh thập điện diêm vương không còn nữa. Tôi vừa lặng lẽ đi thắp hương các án thì phát hiên ra hòm công đức nhiều quá. Hầu như bệ thờ nào cũng có các hòm gỗ sơn đỏ ngền ngện cạnh án thờ. Tôi chạnh lòng nhớ mẹ khi xưa đi lễ chùa, trong chiếc làn cói bà thường đem theo chiếc đĩa sành. Đến bên bệ Phật bà cẩn trọng nhắc từng món đồ lễ lên đĩa. Xong, rồi mới châm nén hương và lùi ra quì trước án chắp tay khấn vái. Đợi nhạt tuần hương lại chắp tay xin lễ, đem về một phần nhỏ, gọi là xin lộc chùa.

Tôi cứ bâng khuâng khi bước chân ra khỏi cửa chùa. Bây giờ lễ to, nhưng lễ càng to thì hình như càng tăng vẻ mê muội. Còn lòng thành kính thì xem ra đã hao vơi đi nhiều lắm.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Những kẻ "gác nghĩa trang"

(TT&VH Cuối tuần) - Xa nhau nhiều năm, khi gặp lại, tôi mừng rỡ muốn hàn huyên với chị đủ điều, nhưng cái ngôn ngữ đóng hộp đóng thùng của chị cứ như một hàng rào cản tình thân.

Tôi hỏi người chị họ: Ngoài ấy còn trồng ngô không chị?

Chị trả lời: Báo cáo anh, địa phương chúng tôi hiện nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng rồi ạ.

Tôi lại hỏi: Ông bà dạo này sức khỏe thế nào?

Chị trả lời: Báo cáo anh, năm ngoái, tình hình sức khỏe của ông bà hết sức bi quan, nhưng chúng tôi đã kịp thời khắc phục. Đồng thời, chúng tôi lên kế hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho ông bà vào thăm gia đình.


Qua câu chuyện thăm hỏi bình thường, những từ khô khan, cứng nhắc của công việc hành chánh và thời chiến như: báo cáo, tình hình, kế hoạch, khắc phục, cơ cấu, điều kiện, chiến dịch, sách lược... được sử dụng rất nhiều, chúng chiếm một mật độ rất dày trong các câu nói của chị. Mà có vẻ như chị rất thoải mái, thậm chí tự hào cho cách sử dụng ngôn ngữ của mình. Ban đầu tôi ngỡ rằng đó là do đức tính khiêm tốn của chị, nhưng về sau thì thấy không phải vậy. Có vẻ như mục đích của chúng là gián tiếp báo cho người đối thoại về nhân thân, về công việc, về giai cấp của chị... một cách tự hào, hãnh tiến. Hoặc ít ra, chị cũng xem cách nói năng như thế là một sự biểu hiện hay một tiêu chí văn minh.

Tôi lại nhớ ra một câu chuyện tếu khác, như thế này: Chàng là một cán bộ đã khá lớn tuổi mà chưa vợ. Khi tình cờ gặp nàng, một tiểu thương chợ huyện, là chàng choáng váng ngay vì tiếng sét ái tình. Dăm hôm sau chàng quyết định nếu thiếu nàng thì đời sống mình đáng vất đi, bèn lấy giấy bút ra viết thư cầu hôn với nàng. Khổ nỗi, phải làm sao để gây ấn tượng với nàng đây? Quả là nan giải, vì nhìn chung chàng thua sút mọi bề, từ tuổi tác đến tiền tài. Còn danh vọng ư? Một chân cán bộ văn phòng thì chưa thể gọi là danh vọng. Trong lúc ngặt nghèo ấy, chàng chợt nghĩ rằng mình chỉ có thể chinh phục trái tim của nàng bằng tài văn chương thôi, vì nàng là dân ở tỉnh lẻ thì chắc hẳn là ít học, chắc hẳn sẽ trọng người có chữ. Không phải dân ta luôn có truyền thống trọng văn hay sao? Chàng nắn nót viết:

Em yêu,

Từ khi phát hiện ra em, một nhân tố cực kỳ hoàn hảo và năng động trong quần chúng, anh hằng đêm tích cực tư duy với bộn bề suy nghĩ.

Nếu em và thầy me nhất trí, ta hãy cùng nhau ra thôn đăng ký, rồi từ đấy anh quản lý đời em và em thì quản lý đời anh.Chúng ta cùng nhau hợp lực quản lý và phát triển đời của những quần chúng ưu việt sẽ là con cái chúng ta.

Hãy tin ở năng lực và lòng quyết tâm của anh.

Chào đoàn kết.

Thật hết biết!

Câu chuyện trên nhiều phần được thêm thắt mắm muối cho hài hước. Nhưng chuyện sau đây là chuyện thật. Anh bạn tôi có rất nhiều bạn tình. Mỗi lần chia tay với một cô là anh ta lại làm thơ. Và bài thơ nào cũng thế, y như rằng lại xuất hiện các nhóm từ: Em về chân mây cuối trời. Có hôm nổi quạu, tôi nói: Em có về chân mây cuối trời nào đâu? Em vào khách sạn với một thằng nhiều tiền hơn mày. Thế mà cứ một hai năm gặp lại thì anh lại làm thơ, đại loại vẫn thế: Em về chân mây cuối trời / Sầu anh ly biệt chơi vơi.

Ngày nay, ngoài hiện tượng giới trẻ sử dụng ngôn ngữ tả-pí-lù, Anh Việt đề huề, ngôn từ được đơn giản hóa tối đa theo kiểu chat trên mạng, thì còn có hiện tượng nói năng theo kiểu đại bác bắn ruồi, bảo kiếm chọc tiết lợn này. Mà không phải là chỉ có giới bình dân mới nói năng như thế, ngay cả giới văn chương điện ảnh cũng chẳng kém chi. Người ta thường gặp cảnh trai gái hẹn hò nhau bên bờ sông mà câu chuyện tâm tình cứ như chuyện của các nhà ngoại giao bên bàn hội nghị quốc tế.

Không phải do cá tính của một vài người hay một số người mà thôi, mà có cả một bộ phận người Việt nói và viết theo kiểu này. Để tỏ ra rằng mình là người lịch duyệt, những người này tích lũy trong đầu những thuật ngữ của văn học, triết học, chính trị để có dịp là mang ra sử dụng, dù có nhiều khi không đúng chỗ đúng lúc. Ví dụ như, chạy gạo từng bữa thì gọi là làm kinh tế. Nói chuyện cưới vợ thì gọi là hội thảo vấn đề hôn nhân. Muốn ai nói nhanh lên thì gọi là đề nghị phát biểu khẩn trương. Học dốt thì gọi là tiếp thu không nhạy bén.

Ban đầu chỉ là việc làm dáng, lâu ngày trở thành ngôn ngữ phổ quát. Tiếng Việt giờ đây có nguy cơ trở thành những xác chữ lãnh cảm, vô hồn.

Xác người gây cảm giác rùng rợn, xác chuột gây cảm giác ghê tởm, nhưng xác chữ thì không gây cảm giác gì cả, và người sử dụng nó thì lè phè nhàn rỗi làm những kẻ “gác nghĩa trang”.

Nam Đan