Nguyễn Văn Trọng
TBKTSG, Chủ Nhật, 6/2/2011, 10:25 (GMT+7)
(TBKTSG) - Triết gia Nga S.L. Frank (1877-1950) là người đã đưa ra khái niệm “tính hợp quần” (sobornost) như là cơ sở tinh thần của xã hội. Theo ông thì tính hợp quần nằm trong bản chất xã hội của con người vì con người không chỉ là cái “tôi” đối lập với cái “không phải tôi” như thế giới khách thể.
Con người còn có đại từ ngôi thứ hai “anh/chị”, “các anh/các chị” để chỉ những thực thể mà cái “tôi” xem là đồng đẳng với mình và hợp nhất với mình trong đại từ “chúng ta”.
Tính hợp quần gắn với con người từ lúc sinh ra trong vòng tay âu yếm của người mẹ. Nó bộc lộ ra trong mỗi giao tiếp của con người trong xã hội. Thiếu nó thì một cuộc trao đổi thoáng qua giữa hai người tình cờ gặp gỡ cũng không thể có được.
Nó hiện diện ngay cả trong động thái giao dịch mua bán lạnh lùng “tiền trao cháo múc”: không cuộc mua bán nào khả dĩ nếu giữa người mua và người bán không cảm nhận được một mối liên kết nội tại nào đó gắn kết họ với nhau trong sự tin cậy nhất định.
Một đạo quân về hình thức được tổ chức từ những con người tứ xứ hợp lại thông qua hình thức kỷ luật sắt của nhà binh. Nhưng chẳng có kỷ luật quân sự nghiêm khắc nào tạo ra được một đội quân có sức chiến đấu, nếu các binh sĩ không gắn kết với nhau bởi tình đoàn kết trong nội tâm, không ý thức trực giác bản thân mình là những thành viên của một dân tộc.
Tính hợp quần được gia tăng bền vững hơn nhờ hoàn cảnh cùng chung ngôn ngữ và tập quán là những tài sản văn hóa hình thành từ cuộc sống chung dài lâu qua nhiều thế hệ. Có thể khẳng định rằng tính hợp quần hiện diện trong mọi quan hệ con người ở những cấp độ khác nhau.
Thế nhưng xã hội cũng không phải đơn thuần là một khối đồng nhất trong đại từ “chúng ta”. Xã hội có một phương diện khác nữa: nó là tập hợp của những cái “tôi” cấu thành cái “chúng ta”. Mỗi cái “tôi” ấy là một bản ngã mang tính thiêng liêng tự thân, thể hiện trong sự khẳng định: con người phải được tôn trọng như mục đích, chứ không bao giờ được xem như phương tiện.
Tính hợp quần tạo ra nội dung sinh động cho cuộc sống cá nhân, nhưng không hạn chế và đối lập với tự do cá nhân. Nó tựa như chất dinh dưỡng tạo nên sự phong phú cho cuộc sống cá nhân. Làm giảm tính hợp quần trong cuộc sống của một cá nhân, như việc ở tù hay sự xa cách với người thân, đều được cá nhân ấy cảm nhận như sự thiếu đầy đủ của cuộc sống.
Theo Frank, tính hợp quần không phải là một giá trị đạo đức mà ý chí con người tự thiết lập cho mình như một lý tưởng. Nó đơn thuần thể hiện bản chất xã hội của con người. Cái “chúng ta” vì vậy cũng rất cụ thể và có bản sắc riêng giống như mỗi cái “tôi” có bản sắc riêng vậy. Tính hợp quần xác định bản sắc một xã hội ở thời điểm hiện tại chứa đựng những yếu tố siêu thời gian trong chiều sâu của nó: ký ức về cuộc sống chung của tổ tiên trong quá khứ, những trang sử vinh quang hay tủi nhục, những kỳ vọng tương lai... tất cả đều có sức mạnh chi phối tính hợp quần của xã hội hiện tại.
Xã hội con người đã được nhiều nhà tư tưởng cổ đại ví như một cơ thể sống tuân theo những quy luật nhất định. Các quy luật xã hội về bản chất khác hẳn với các quy luật thường nghiệm của thế giới tự nhiên, như các quy luật vật lý chẳng hạn: các quy luật vật lý không thể bị vi phạm, nhưng quy luật xã hội luôn bị con người vi phạm và phải chịu trừng phạt vì những vi phạm ấy. Vấn đề nằm ở chỗ các thành viên xã hội là những con người cá nhân có tự do ý chí trong một giới hạn nào đó. Thí dụ như cơ thể con người cần được nuôi dưỡng bằng những thức ăn bổ dưỡng để duy trì sự sống; điều này có ý nghĩa như một quy luật. Thế nhưng con người luôn vi phạm quy luật này, do thiếu nhận thức hay do hoàn cảnh bó buộc, và phải chịu sự trừng phạt vì sự vi phạm ấy dưới hình thức các bệnh tật khác nhau.
Tương tự như vậy, các nhóm người trong một xã hội nhất định vì những lý do khác nhau có thể vi phạm các quy luật xã hội dẫn đến những bất ổn đe dọa sự tồn vong của xã hội. Lịch sử nhân loại cho thấy sự thăng trầm của các xã hội với biết bao đa dạng. Sự sụp đổ của đế chế La Mã với nền văn minh rực rỡ trước những tộc người đang còn ở trong trạng thái dã man là một thí dụ đầy ấn tượng.
Một xã hội ở trong trạng thái chuẩn mực là khi tính hợp quần của xã hội và các quyền tự do cho cá nhân được duy trì một cách hài hòa: các cá nhân có được điều kiện tự do để phát triển bản ngã của mình, các cá nhân xuất chúng thông qua hoạt động sáng tạo phục vụ cho cộng đồng khiến cho tính hợp quần xã hội được nâng cao về văn hóa. Mọi ách chuyên chế dù là chuyên chế độc tài, chuyên chế tập đoàn hay chuyên chế đám đông, đều ngăn trở con người cá nhân phát triển bản ngã và vì vậy mà làm suy yếu phẩm chất văn hóa của tính hợp quần. Kết quả là tính hợp quần bị suy đồi thành tính bầy đàn do cộng đồng không có giới tinh hoa để duy trì văn hóa đỉnh cao.
Trong giới trí thức Nga thế kỷ 19 đã xuất hiện chủ nghĩa dân túy tôn thờ nhân dân như thượng đế. Họ phân chia nhân dân thành hai nhóm đối kháng: đại đa số nhân dân là những người lao động lương thiện, một thiểu số xấu xa là bọn bóc lột áp bức nhân dân.
Một vài danh nhân quá nổi tiếng như Nguyễn Du được nhận vào phe ta do những câu thơ bất hủ đầy tình người của ông. Sự gượng gạo này khiến một số người muốn đề cao các nhà thơ yêu nước gần gũi với nhân dân lao động hơn như Nguyễn Đình Chiểu và đòi dành cho Nguyễn Đình Chiểu một địa vị cao hơn Nguyễn Du. Ảnh hưởng dân túy này trong điều kiện mấy chục năm chiến tranh khiến cho dư luận xã hội không ý thức được tầm quan trọng của các tài năng cá nhân và đề cao quá mức sức mạnh tập thể. Người ta đã kêu gọi “công nông hóa trí thức”, phê phán mọi lối sống khác biệt với đám đông. Các kiểu cách sống mà bây giờ người ta nuối tiếc như những nét “thanh lịch Tràng An”, đã một thời bị miệt thị như các kiểu cách “tiểu tư sản”, mọi người được khuyến cáo cần phải từ bỏ những kiểu cách sống ấy để “công nông hóa tác phong sinh hoạt”.
Thời đó chẳng ai nhắc tới câu nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia” vì nghe có vẻ đề cao vai trò cá nhân nhiều quá. Người ta hay nhắc đến các “danh ngôn” khác: không có cá nhân nào là không thể thay thế, ba anh thợ may có thể thay một Gia Cát Lượng. Tài năng cá nhân được đánh giá theo chuẩn mực duy lợi thô thiển: chỉ những tài năng nào đem lại lợi ích cụ thể trước mắt cho mọi người mới được tôn vinh. Việc tạo điều kiện cho tài năng cá nhân phát triển bị xem là “không công bằng”, việc nâng cao trình độ chuyên môn được thực hiện theo cách “cào bằng”, mỗi người hưởng một tí.
Lẽ dĩ nhiên việc cào bằng cũng không thể nào thực hiện được một cách trọn vẹn: bọn đạo đức giả, bọn hám danh lợi, lũ nịnh hót luôn biết cách xông lên trước và ngoi lên trên trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy mà các biện pháp cào bằng cũng không xóa đi được sự bất bình đẳng trên thực tế.
Từ thời đổi mới, những áp đặt như thế lặng lẽ suy giảm dần một cách tự phát dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường, nhưng chưa bao giờ được phê phán chính thức như những áp đặt gây tổn hại cho xã hội. Sự áp đặt quyền uy thời bao cấp nhường chỗ cho sự áp đặt tự phát của sức mạnh đồng tiền. Tuy nhiên, do các áp đặt quyền uy thời bao cấp chưa bao giờ bị phê phán đầy đủ nên trong nhiều trường hợp nó kết hợp được với sức mạnh áp chế của đồng tiền.
Sự xuống cấp văn hóa của xã hội vì vậy chịu tác động kép khiến cho các danh hiệu biểu trưng của tinh hoa xã hội trở thành một thứ có thể mua bán được. Sự xuất sắc của một Ngô Bảo Châu (mà tài năng không phải do giới khoa học Việt Nam vun đắp nên) cũng không cứu nổi tình cảnh thảm hại của giới khoa học nước nhà với những vụ bê bối đạo đức xảy ra liên tục. Một đại lễ ngàn năm Thăng Long hoành tráng lại có biết bao sự cố phơi bày tình cảnh suy đồi văn hóa của một đám đông không có tinh hoa.
Một khi văn hóa đã suy đồi thì tính hợp quần cũng bị xói mòn và cơ sở tinh thần của xã hội bị lung lay. Tính hợp quần bị tổn hại thì các thành viên xã hội mất niềm tin vào nhau, các hoạt động xã hội do đó không còn có thể vận hành bình thường được nữa. Đó chính là căn nguyên các bệnh hoạn xã hội bộc lộ ra thiên hình vạn trạng khiến cho những người yêu nước phải đau lòng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire