Tháng 6-1983, hội nghị Trung ương họp, “mổ xẻ” về Z30. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đoàn Duy Thành có cơ hội nói lên tiếng nói tâm huyết của mình.
Đời sống người dân những năm 1980 còn nhiều khó khăn.
Trong ảnh: Một cảnh xếp hàng thời ấy.
“Độc thoại” ở hội nghị Trung ương
Bữa sáng khai mạc hội nghị Trung ương, Phó Thủ tướng Phạm Hùng điều khiển phiên họp. Bao nhiêu trăn trở, suy tư bấy lâu, nay có điều kiện lên tiếng giãi bày trước các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, ông Thành đã nói một mạch hai tiếng đồng hồ.
Ông nhớ lại: “Anh Phạm Hùng chỉ định tôi phát biểu đầu tiên. Tôi chỉ dành 15 phút đầu để nói về kế hoạch sáu tháng cuối năm. Sau đó, tôi nói rằng bây giờ tôi phải đề cập ngay đến vấn đề đang sôi nổi và bức xúc của xã hội, đặc biệt là Hải Phòng, là chuyện Z30.
Trong lúc phát biểu, tôi kể tường tận sự việc tôi được chứng kiến tại ba gia đình bị tịch thu ở Hà Nội, họ than khóc thế nào, ai oán ra sao... Sao lại làm thế được? Sao anh không chứng minh được tài sản người ta là bất minh mà vẫn vô cớ tịch thu? Sao anh không giải thích rõ ràng lý do tịch thu đó? Tôi nói thẳng rằng làm như thế là trái đạo lý, làm mất nhân tâm, cản đường xây dựng, phát triển, trái với cả tư tưởng kinh tế của Mác...”.
Nói đến đây, ông Thành trầm ngâm, nhấp một ngụm nước rồi tiếp lời: “Tôi phải nói căng như thế vì hội nghị Trung ương là cơ hội duy nhất. Nếu ở hội nghị Trung ương mà không ngăn được thì coi như muộn mất rồi, người dân sẽ phải gánh chịu một trận “bão táp” mới mà hậu quả chắc chắn là hết sức nặng nề. Tôi nói xong, anh Phạm Hùng đứng bật lên, nói: “Sáng tạo, rất sáng tạo, tôi ủng hộ anh Thành.”
Sau mấy phút giải lao của hội nghị, không khí hội trường im bặt. Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng lên, chậm rãi nói: “Còn đồng chí nào phát biểu nữa không? Còn đồng chí nào nói đạo lý hơn đồng chí Thành nữa thì cứ phát biểu”. Sau gợi ý của Tổng Bí thư, ông Quất (Bí thư Bắc Giang), rồi đến một đồng chí ủy viên Trung ương phía Nam đứng lên nói ngắn gọn, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của tôi”.
“Khó hiểu nhất là không có ai đứng lên bảo vệ “Z30”, thành ra ý kiến phản đối trở thành “độc thoại” một chiều” - ông Thành trầm ngâm. Rồi ông kể tiếp: “Lúc anh Ba Duẩn nói xong, tôi nghĩ bụng “Thế là ổng đã ủng hộ mình rồi!”. Tôi rỉ tai anh Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư, lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM): “Anh phát biểu đi để góp thêm tiếng nói mạnh mẽ, Nam bộ cũng phản đối “Z30” mà. Anh Linh bảo: “Ông nói thế là đủ lắm rồi!””.
Như vậy là câu chuyện về “Z30” đã kết thúc một cách không trống, không kèn. Từ đó về sau này, không ai nhắc lại nữa, không nơi nào thực hiện, cũng không ai nói thêm gì nữa.
Mục tiêu CNXH là dân phải giàu
. Theo ông, mãi đến tận lúc họp hội nghị Trung ương thì Tổng Bí thư Lê Duẩn mới biết là có Chỉ thị “Z30”?
+ Không. Tôi nghĩ là anh Ba Duẩn có được nghe báo cáo. Nhưng có thể người ta không báo cáo cặn kẽ, cụ thể với anh. Có thể lúc đó người ta báo cáo với anh Ba là làm thử, người ta nói đây là cuộc đấu tranh giai cấp, đánh vào bọn tham nhũng, buôn lậu...
. Nhưng lúc đó cũng có một số người hào hứng thực hiện “Z30” với mong muốn thiết lập một trật tự xã hội không có tư hữu về tài sản?
+ Có người cứ mở miệng ra là nói đến đấu tranh giai cấp, đến thủ tiêu tư hữu nhưng thực tế người ta không hiểu cặn kẽ những vấn đề như thế. Người ta đã hiểu sai về bản chất và phương pháp của cách mạng, đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế.
. Những năm 1980, tư tưởng “vô sản” vẫn nặng, vậy mà ông cứ hô hào xây nhà to cửa rộng?
+ Tôi vẫn nói phi thương bất phú. Mà đó là câu của các cụ, đâu phải của riêng tôi. Lênin cũng đã từng nói là phải đổi 100 ông bôn-sê-vích không có tay nghề để lấy một người buôn bán giỏi cơ mà. Tại sao lại không đi theo đúng triết lý đó?
Tại sao anh không nghiên cứu kỹ biện chứng phát triển, không nói đến những vấn đề kinh tế Mác nói mà chỉ nói đến đấu tranh giai cấp, công hữu...? Mác đâu chỉ nói đến đấu tranh giai cấp và chuyên chính. Đó đâu phải là mục tiêu của cách mạng, đó chỉ là phương pháp cách mạng để đưa con người đến giàu có, bình đẳng thôi chứ.
Mục tiêu của Mác cũng là mục tiêu của cách mạng như chúng ta đang tuyên bố hiện nay là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là không còn người bóc lột, mọi người tự giác lao động mà sống, mà làm giàu.
. Theo ông, tại sao một số địa phương cũng không thực hiện “Z30” ?
+ Vì người ta thấy làm như thế là sai trái. Thực hiện “Z30” có nghĩa là cải tạo thị dân, đánh vào thành thị để mọi người cùng nghèo.
. Theo ông, câu chuyện “Z30” cách đây 25 năm so với ngày nay có ý nghĩa gì? Sai lầm đó ảnh hưởng như thế nào đến sự trưởng thành và phát triển của tầng lớp doanh nhân hiện nay ?
+ Bài học lớn nhất, trước hết theo tôi là với việc kiên quyết không thực hiện “Z30”, chúng ta đã vượt qua được một rào cản để đi đến đổi mới. Nếu chúng ta thực hiện toàn diện “Z30” vào thời điểm đó thì chẳng ai còn dám làm giàu nữa. Tôi từng hỏi các đồng chí trong Thường vụ Thành ủy Hải Phòng là các anh ở đây có ai không muốn ăn ngon, mặc đẹp không? Nếu các anh cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp thì tại sao các anh lại không khuyến khích dân làm giàu?
Tôi cho rằng làm giàu là khát vọng. Dù có bị cấm đoán đến đâu người ta vẫn nuôi khát vọng của mình. Và khi có thời cơ người ta sẽ tranh thủ mọi điều kiện để làm giàu... Nhưng dù sao thì những ý chí ấy đã bị thủ tiêu trong cả một giai đoạn, nó cũng ít nhiều làm thui chột ý chí của doanh nhân thời đó. Nó cũng là lý do khiến cho thời hội nhập hiện nay, Việt Nam chưa có một tầng lớp doanh nhân đúng nghĩa, đủ sức ra khơi... Bài học sau cùng là câu chuyện về “Z30” luôn nhắc nhở chúng ta, nhất là những người cầm quyền, khi đụng đến quyền lợi của dân phải hết sức minh bạch, công khai, bởi mọi việc làm chúng ta là do dân, vì dân cơ mà!
. Vâng, xin cảm ơn ông.
PHAN LỢI - LÊ KIÊN (PL TPHCM)
Ngày nay, khi đi từ Hải Phòng sang Kiến An, tôi vẫn thấy buồn vì “Z30” đã làm cho con đường này mất đẹp. Nhà cửa hai bên xây dựng thời kỳ “Z30” không xứng với con đường mở rộng! Lúc ấy, vì sợ bị tịch thu nên những gia đình đang xây dựng thì dừng lại không xây hoặc thu nhỏ lại, định xây hai tầng thì rút còn một tầng thôi...
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire