Kể ra thì bút chiến cũng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đáng để tôn trọng và học hỏi, nếu như không có những người luôn giữ thái độ hùng hục lao vào đó như một dũng sĩ giác đấu để “hạ bệ” cho được đối phương, nhằm vào mục đích học thuật thì ít mà nhằm để khuếch trương bản ngã cho cái thói háo danh thì nhiều.
Minh họa của Thanh Huyền |
Trải qua mấy ngàn năm, lịch sử nhân loại luôn đầy rẫy những cuộc chiến tranh. Người ta đánh nhau bằng gươm đao, “văn minh” hơn thì đánh nhau bằng súng đạn. Điều đó đã đành. Nhưng dường như súng đạn, gươm đao chưa làm thỏa mãn được thói ưa tranh đấu của con người, những kẻ trí thức còn luôn tìm mọi cách để đánh nhau bằng… ngòi bút!
Mấy ngàn năm trôi qua, kể từ khi văn tự được phát minh trên cõi đời này, thì cũng ngần ấy năm con người đem bao tâm huyết và bút mực để tranh luận nhau về mọi thứ trên trời dưới đất. Cái thói háo danh của người trí thức dầu sao cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhân loại, ít ra là về lĩnh vực sản xuất bút mực để phục vụ cho các cuộc bút chiến!
Kể ra thì bút chiến cũng là một loại hình sinh hoạt văn hóa đáng để tôn trọng và học hỏi, nếu như không có những người luôn giữ thái độ hùng hục lao vào đó như một dũng sĩ giác đấu để “hạ bệ” cho được đối phương, nhằm vào mục đích học thuật thì ít mà nhằm để khuếch trương bản ngã cho cái thói háo danh thì nhiều. Ai cũng muốn tranh hơn. Đã có mấy ai cố tĩnh tâm hiểu rằng trong những cuộc bút chiến đao to búa lớn đó, nào có ai là kẻ chiến thắng và ai là người chịu thất bại? Mà gẫm ra cho “cùng kỳ lý” thì những cuộc tranh luận đại loại như thế cũng chẳng đi đến đâu. Và những người trong cuộc tranh luận dường như không bao giờ bừng tỉnh để hiểu rằng kiến thức mà họ dùng để tham gia cuộc “bút chiến” có gì là thực sự của họ hay không, hay chỉ toàn là những kiến thức cóp nhặt, vay mượn từ mọi nguồn tri thức, mà bất cứ người nào có chút thông minh và chịu khó đọc sách đều có thể thủ đắc một cách dễ dàng? Điều đó tố cáo sự tầm thường về mọi mặt, như hai anh nghèo kiết xác chuyên đi vay mượn tiền để rồi khoe mẽ lẫn nhau!
Người xưa chia ra làm ba loại hiểu biết: Sinh nhi tri, khốn nhi tri, học nhi tri. Có người sinh ra là đã biết, sinh nhi tri. Cái biết ấy chỉ dùng cho các bậc thánh nhân “vô sư tự ngộ” (không cần đến thầy mà vẫn hiểu biết), như Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử… Có người do lâm vào cảnh khốn cùng mà biết, khốn nhi tri. Như Văn Vương, khi bị vua Trụ giam ở ngục Dũ Lý, đã nghiền ngẫm Kinh Dịch mà diễn lại các quẻ, để làm ra Hậu thiên bát quái, chuyển đổi Tiên thiên bát quái của Phục Hy. Còn hầu hết người ta có lẽ đều do học mà biết, “học nhi tri”. Từ đó mà nhìn thì “học nhi tri” là cái “tri” thấp nhất trong những cái “tri” của con người, nhưng điều quái gở và đáng buồn cười nhất con người lại luôn luôn dùng những kiến thức vay mượn đó, những kiến thức tích lũy nhờ sách vở từ chương, để huênh hoang vênh váo với nhau.
Tất cả những cuộc tranh luận đó, dù nấp dưới những lớp vở nghe ra rất văn hóa, nhưng thực chất cũng chỉ vì chữ “danh”. Bên này lợi dụng sơ hở của bên kia để công kích nhằm tăng thêm giá trị (?) của mình, còn bên bị công kích cũng hiếm khi chịu nhận đó là sai sót, mà luôn tìm mọi cách chống chế để phản đòn. Càng nguy hiểm và ngu xuẩn hơn nữa khi không thiếu những người có được một chút tài năng lại lăm le muốn làm “ngự sử” trên văn đàn, toan tính dùng ngòi bút để trấn áp thiên hạ, giống như Vương Trùng Dương(*) dùng “nhất dương chỉ”(*) để áp đảo mọi cao thủ ở khắp bốn phương Đông Tây Nam Bắc. “Thiên hạ đệ nhất nhân” đâu phải chỉ là cái danh hiệu mà các cao thủ võ lâm tuyệt đỉnh muốn tranh đoạt trong những cuộc Hoa sơn(*) luận kiếm, mà nó cũng là cái đích nhắm tới của không ít những học giả, thông qua những trò… luận bút. Chỉ khác là một bên dùng võ công và có thể đổ máu trong những cuộc đấu tử sinh, còn một bên thì dùng bút và đổ… mực, trong những trận võ mồm!
Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử có ba điều răn: khi còn nhỏ, huyết khí chưa ổn định, cần răn ngừa về chuyện nữ sắc; đến khi tráng niên, huyết khí đang mạnh, cần răn ngừa về chuyện ham tranh đấu; đến khi về già, huyết khí đã suy, cần răn ngừa về việc muốn hơn người”. (Tử viết: “Quân tử hữu tam giới: thiếu chi thời, huyết khí định vị, giới chi tại sắc; cập kỳ tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kỳ lão dã, huyết khí ký suy, giới chi tại đắc”- Luận ngữ, Quý thị, 7). Các học giả cũng như các cao thủ võ lâm thường ham chiến đấu và thích được hơn người ở mọi lứa tuổi, tráng niên trung niên lẫn lão niên, mà không có cách gì răn ngừa được.
Tranh luận bằng ngòi bút chỉ đạt đến đỉnh cao là khi nào nó âm thầm dẫn dụ để đối phương cảm nhận được sự thực, mà không cần dùng đến những kiến thức vay mượn được diễn đạt qua những lời lẽ khoa trương. Điều quan trọng là người ngoài cuộc không hề hay biết, giống như Trương Vô Kỵ(*) dùng Càn khôn đại nã di(*) để âm thầm hóa giải dư độc cho đối phương trên Quang Minh đỉnh(*). Nhưng về điểm này, có lẽ không có ai sâu sắc và nhân bản hơn cô bé A Tú(*) trong Hiệp khách hành(*).
Sử Tiểu Thúy(*) chỉ vì tranh hơi tức khí với chồng là Bạch Tự Tại(*) - chưởng môn phái Tuyết Sơn – mà bỏ núi ra đi, mang theo cháu nội là cô bé A Tú. Bà sáng tạo ra môn “Kim ô đao pháp” nhằm khắc chế “Tuyết sơn kiếm pháp”(*) của chồng. Tuyết mà gặp mặt trời (kim ô) thì kết quả không nói cũng đủ rõ. Muốn đánh bại đối phương chưa hẳn vì hận thù mà chỉ cốt để hả hê và dương danh với đời, tâm sự đó của Sử Tiểu Thúy cũng chính là tâm bệnh của những học giả sính tranh luận và bút chiến. Để thực hiện điều này, hai bà cháu phải gấp rút tập luyện nội công và kết quả là bị tẩu hỏa nhập ma. Chi tiết nho nhỏ nhưng sâu sắc này sao lại giống với cảnh các học giả luôn tìm cách tra cứu những “tư liệu giá trị thấp” để kịp thời tham gia bút chiến đến thế! Và không hiểu suốt cổ kim đã có bao nhiêu học giả bị “tẩu hỏa nhập ma” tinh thần? Hai bà cháu phái Tuyết Sơn may mắn nhờ thần công của Thạch Phá Thiên(*) cứu mạng, còn các học giả có lẽ chỉ còn cách chờ đến... cơ duyên. Mà si tâm càng nặng thì cơ duyên lại càng khó gặp.
Thạch Phá Thiên được Sử Tiểu Thúy nhận là “khai sơn đồ đệ” để chuẩn bị cho cuộc đấu với Bạch Vạn Kiếm(*), vừa là con trai bà vừa là nhạc phụ tương lai của Thạch Phá Thiên. Đó là một cuộc “tranh luận” không khoan nhượng về võ công để bảo vệ cái danh. Thua thì thanh danh tàn tạ, còn thắng thì được huênh hoang với đời. A Tú đã khéo léo dạy cho Thạch Phá Thiên chiêu “Bàng xao trắc kích” để vừa bảo vệ được mình lại vừa cứu vãn được danh dự cho đối phương. “Bàng xao trắc kích” có nghĩa là “đẩy bên cạnh, đánh bên hông”. Đặc điểm của chiêu này là khi đánh cho đối phương sắp rơi kiếm, thì người sử dụng bèn vờ chém một vài đao để đánh lừa người xem rồi thu đao lại, vòng tay cung kính nói: “Võ công các hạ quá cao, chúng ta bất phân thắng bại, tại hạ xin hòa!” Người ngoài không một ai hay biết, ngỡ rằng cả hai xứng đáng là “kỳ phùng địch thủ” (!), còn người trong cuộc thì nhận ra được vấn đề mà không bị tổn thương danh dự. Chỉ những học giả nào sử dụng được chiêu thức đó mới đạt đến đỉnh cao thực sự của trình độ và nhân cách trong tranh luận (ví dụ Trần Trọng Kim khi tranh luận với Phan Khôi về Nho giáo).
Khổng Tử, một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất của mọi thời đại, đã cho hậu thế nhiều bài học cực kỳ sâu sắc. Ông là người tập đại thành các định chế về lễ nghi pháp độ, đặt nền tảng cho một xã hội lễ trị hơn mấy ngàn năm tại những quốc gia Đông Á, vậy mà khi vào thái miếu(1), ông thấy việc gì cũng hỏi về lễ nghi. Có người thấy vậy liền nói: “Ai bảo rằng con trai người ấp Trâu(2) kia biết lễ? Vào nhà thái miếu mà thấy việc gì cũng hỏi”. Khổng Tử nghe vậy, bèn nói “Ấy là lễ vậy!” (Tử nhập thái miếu, mỗi sự vấn. Hoặc viết: “Thục vị Trâu nhân chi tử lễ hồ? Nhập thái miếu, mỗi sự vấn”. Tử văn chi, viết “Thị lễ dã” - Luận ngữ, Bát dật, 15).
Ông tổ của lễ nghi pháp độ lại khiêm tốn đi học hỏi chữ lễ, giống như cha đẻ của Microsoft là Bill Gates xin được chỉ bảo về cách sử dụng hệ điều hành Windows! Điều đó khiến hậu thế chúng ta có thêm một phen để hiểu về chiêu “Bàng xao trắc kích”. Và chắc chắn cái chiêu thức đơn giản đó của cô bé phái Tuyết Sơn vẫn luôn còn giá trị nhân bản, khi nào những học giả khắp Đông Tây vẫn còn thí sinh hơn thua trong bút chiến.
_______________________________________
(*) Tên người, tên nơi chốn, và tên các thế võ trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
1. Miếu thờ ông Chu Công Đán, em trai vua Vũ vương nhà Chu, được phong ở nước Lỗ, thời Xuân Thu bên Trung Hoa.
2. Chỉ ông Thúc Lương Ngột là phụ thân của Đức Khổng Tử. Ông từng làm quan đại phu cai trị ở ấp Trâu, thuộc nước Lỗ, thời Xuân Thu.
Huỳnh Ngọc Chiến
(Đại Biểu Nhân dân)
(Đại Biểu Nhân dân)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire