vendredi 18 septembre 2009

Bốn bánh bay lên đỉnh

(TT&VH Cuối tuần) - Khi ai cũng đi xe đạp rồi đến xe máy, cấu trúc “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ” vụn vặt trong khu phố cổ và phố Pháp chẳng thành vấn đề, con đường rộng nhất Hà Nội thời trước đổi mới là đường Giải Phóng có chiều rộng 35 mét với hàng chục đường cắt ngang không làm ai khó chịu. Nhưng có gì bức xúc bằng ngồi trong chiếc Mercedez S65, đã bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đắt tới mấy trăm nghìn đô-la, lại còn phải bò từng trăm mét một để tránh luồng giao cắt!


Nói vậy, đã đẳng cấp xe xịn thì không ai mang ra đường Giải Phóng đi xuống Văn Điển, mà phải nhè những chỗ dập dìu tài tử giai nhân như Nhà Thờ, Vincom, Lý Thường Kiệt hay đường Thanh Niên (còn chỗ nào giới khoe xe hay đến thì chắc tôi sót nhiều). Và đã ra dáng xe khủng thì phải rất kềnh càng, ra cái điều đường phố Hà Nội sao mà bé toen hoẻn cho con Lincoln dài gần sáu mét của chúng mình quay đầu. Phố Lý Thường Kiệt, thời Pháp là “Đại lộ” Carreau, rộng có 12 mét, cứ hai trăm mét lại một ngã tư, nhưng lại hóa ra có lý để diễu xe. Con phố nhiều quán cà phê của giới văn phòng, trung tâm gossip của thành phố lại có mấy cơ quan cấp đăng ký xe, thành sàn diễn thời trang cho xe cộ. Đây đích thực là phông cảnh cho bộ mặt phồn vinh của Hà Nội, như là việc đã thuê xe Rolls Royce làm đám cưới thì phải chạy một vòng quanh Bờ Hồ ra Tràng Thi, hướng lên Ba Đình soi bóng nước Hồ Tây rồi quặt về Phan Đình Phùng, len lỏi quanh phố cổ để kết thúc nơi bậc thềm Nhà hát Lớn. Cốt sao để chứng tỏ cho dân Hà Nội hôm sau đọc báo mạng hay vào diễn đàn ô tô sẽ lác mắt.

Thỏa mãn tâm lý đổi đời, cộng thêm việc cự ly đi lại ngắn ngủn, người ta dùng ô tô với công năng không hơn gì xe máy, nghĩa là chở con đến trường, vào siêu thị, ăn sáng hoặc đón vợ trên những khoảng cách vài cây số. Nói đến đây dễ đụng phải cái gọi là “quyền dân chủ” - tài sản hợp pháp thì phải được sử dụng chứ, ai cấm người ta đi ô tô chỉ 500 mét từ nhà ra làm tách cà phê 49.000 đồng của My Way! Cố gắng rũ bỏ tâm lý ghen ty nhưng nói thực, tôi cũng phải lấy làm “thỏa mãn” khi đọc những tin như là xe tiền tỷ bị ngập trong bùn ở hầm chung cư vì lụt cả tháng trời hồi năm ngoái. Chẳng lẽ xe Audi không thể chia sẻ hoạn nạn với xe máy trong cơn lụt thế kỷ ư? Mà tâm lý cái kẻ thua kém là cứ đòi hỏi xe tiền tỷ mà đã thiệt hại thì phải hoành tráng, mới sướng con mắt nhìn và đã cái miệng bình phẩm sặc mùi trà đá.

Nhưng có đi xe ô tô trên những con đường nút cổ chai ở Hà Nội mới biết, niềm hãnh diện hoành tráng bao nhiêu thì nỗi nhọc nhằn cũng chẳng bé. Tắc đường xe xịn cũng như xe trâu, trong khi xe máy thi nhau vượt lề, len lỏi theo lối du kích để về nhà kịp bữa tối thì dù có bạc tỷ cũng đành phải chết đứng như Từ Hải. Cái máy kềnh càng hậu duệ của thời ông Ford sáng chế tương hợp với hệ thống xa lộ mênh mông của nước Mỹ, ắt là không đề huề với lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, hoặc phố Pháp một thời thong dong xe điện. Mai kia Hà Nội có biến thành đại đô thị với nhiều tầng đường bê tông trên cao thì cái thời này, xe trăm ngàn đô-la nhích từng mét một, mãi là một thời để nhớ. Quần chúng cứ dè bỉu nhà giàu hãnh tiến, nhưng có kẻ nào mong thụt lùi lại cảnh chẳng ai sắm nổi cho mình cái xe đạp. Đọc truyện hay xem phim Mỹ thì cũng thấy, dân họ đã hết cơn sốt xe hơi đâu! Các tạp chí ăn chơi vẫn đăng đầy ảnh paparazzi chụp biệt thự và xe đẹp của các sao. Mấy hãng GM hay Ford suýt phá sản cũng làm cho sàn chứng khoán New York điên đảo, sứt mẻ cả bộ mặt kinh tế siêu cường.

Có đi ô tô trên những con đường nút cổ chai ở Hà Nội mới biết, niềm hãnh diện hoành tráng bao nhiêu thì nỗi nhọc nhằn cũng chẳng bé. Tắc đường xe xịn cũng như xe trâu!
Vào cái thời buổi các nhà khoa học ra sức báo động trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, vậy mà các hãng xe chẳng cần nỗ lực quảng bá vấn đề tiết kiệm nhiên liệu với khí thải, người ta vẫn hối hả mua xe hơi. Động thái dền dứ chờ giảm thuế, siêu lợi nhuận không rõ có về tay các nhà nhập khẩu hay không, tỉ lệ nội địa hóa của các liên doanh xe hơi vẫn không vượt quá 10%, ngành thuế coi xe hơi là một thứ hàng tiêu thụ đặc biệt, tất cả mọi sự cho thấy tâm lý xã hội vẫn xem xe hơi là thứ xa xỉ. Vì thế, dư luận từ diễn đàn mạng cho đến quán cà phê văn phòng hết sức nhạy cảm với mọi chuyện quanh cái xe ô tô, cái đám đông ưa tọc mạch xem đấy là biểu tượng cho một cuộc sống đáng thèm muốn, nhưng cũng là tội đồ có trách nhiệm trong việc ghi đậm hố ngăn cách giàu nghèo.

Trong một thành phố đầy rẫy sự cộc lệch thì dẫu có nghịch mắt, xe hơi là cơn mê điên cuồng mà tất yếu của một thế hệ người Việt đang lên. Qua rồi thời ngọc trong đá, anh tài gàn dở bất cần thị phi, giờ đây đại trượng phu phải lạnh lùng độ nhau qua vô-lăng mới khiến người khác nể sợ. Ngôn ngữ của đời sống xe hơi còn chưa phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, nhưng vấn đề chỉ là thời gian. Xe ô tô với lợi thế như một cái vỏ bọc di động, thực chất làm đậm hơn khát vọng cá thể hóa phương tiện đi lại mà xe máy chưa đủ thỏa mãn. Nó như một không gian riêng của ta di chuyển trong thành phố, nên mua xe sang là khẳng định giá trị của không gian ấy. Ngồi trong xe hơi là ta được che chắn, được cố thủ trong những tấm kính lọc ta khỏi đường phố Hà Nội đang tuôn ra những dòng xe máy như kiến cỏ vây quanh ta. Bồng bềnh trong cái hộp nội thất bọc da, máy lạnh thổi mát rượi và nhạc khoan thai thánh thót, bạn mỉm cười nhắc lại câu khẩu hiệu tranh cử của Obama: Yes, we can.

Nguyễn Trương Quý

Bốn bánh bay lên đỉnh


Thể Thao & Văn Hóa Thứ Sáu, 04/09/2009 21:12
(TT&VH Cuối tuần) - Thế nào là một người giàu ở Hà Nội? Có nhiều tiêu chí: nhà to, đất đẹp, cổ phiếu blue-chip... Nhưng nhất thiết phải có ô tô con. Dân gian vẫn bình phẩm, nhà giàu mà đi xe máy Tàu có khác gì áo gấm đi đêm, đồ “nhà giàu húp tương”! Dù đường phố cũ kỹ của Hà Nội mà người Pháp quy hoạch chỉ có hai làn xe, nhưng đấy mới là catwalk của ô tô bây giờ! Ô tô con phóng bon bon trên đường cao tốc thì chẳng ai ngắm, mà lại cứ phải chen chúc với xe máy mới ra được đẳng cấp.


Không biết sau này, các sử gia theo lối phân chia giai cấp sẽ viết thế nào, chứ ở Hà Nội bây giờ, đẳng cấp là hoặc đội mũ bảo hiểm, hoặc không. Tất nhiên đầu trần ra khỏi nhà cũng có khi là đi xe buýt, nhưng có ai tưởng tượng doanh nhân nào lại không đi xe con? Nếu đi xe máy, dân tình suy diễn ngay rằng anh ta đang thực hiện chiêu bài “đánh bóng hình ảnh” theo lối bình dân hóa.
Cuộc sống khi dính vào xe hơi là một hệ thống tầng tầng lớp lớp chẳng khác đạo Bà-la-môn, đo bằng nhãn hiệu xe và số chấm. Chấm - có lẽ là từ lóng đa nghĩa nhất thời nay, nhưng chung quy là lột tả được tinh thần tối giản của công nghệ cao, từ máy ảnh, chứng khoán, GPS cho đến xe hơi. Cả đám đều có mùi văn minh cả, nhưng với người Hà Nội lúc này, chấm nghĩa là chấm của xe hơi. 1 chấm của xe hơi biểu thị cho 1.000 phân khối dung tích xi-lanh, dĩ nhiên càng to càng hoành tráng. Chung quy cũng vẫn là kích cỡ. Người ta kiêng hỏi đàn ông về chiều cao và cỡ giày của họ (dễ suy ra kích cỡ thứ khác!), nhưng nếu có điều kiện, mau mau hỏi xe của họ mấy chấm!

Xe hơi không chỉ là chuyện tiền của, đương nhiên mua được cái xe vài chục nghìn đô-la chẳng thể là nghèo, mà còn là chuyện củng cố thêm sức mạnh nam tính của đàn ông, thể hiện khả năng tinh thông công nghệ cao cũng như ganh đua với sự tiên tiến. Ông Thomas Friedman thật khéo tiếp thị cho cuốn sách Thế giới phẳng của mình, giờ đây đàn ông cả thế giới ai cũng biết Chiếc Lexuscây ôliu. Diễn dịch nôm na, đàn ông đáng mặt ở Hà Nội là phải lái Lexus và uống Dirty Martini có thả vài trái ôliu cho đúng hình tượng toàn cầu hóa.

Nhưng chuyện nổi bật nhất liên quan đến Lexus ở Hà Nội năm vừa rồi lại mang màu sắc bi kịch. Chuyện nữ sinh viên cầm dao cắt cổ người tình được các báo dẫn cũng chẳng đặc biệt hơn các vụ án tình khác, nhưng điều khiến dư luận xôn xao từ quán nước đến internet chủ yếu là chi tiết nàng hạ sát chàng vào sớm tinh mơ trên một chiếc Lexus. Chết đường chết chợ bị xem là xoàng, nhưng chết trên nệm da xe Lexus có giá hai tỷ đồng bởi tay người đẹp khiến thiên hạ nóng mắt, đấy mới là tình tiết nặng ký để liệt người quá cố vào hàng đại gia!

Nào đã hết. Xe xịn ở Hà Nội và Việt Nam nói chung phải có biển độc. Có những quy ước vòng vèo không có ý nghĩa gì với Tây Tàu nhưng lại làm mưa làm gió trong giới cần dùng các phương tiện để đánh bóng thương hiệu: tứ quý, tứ lộc (bốn con sáu), tứ phát (bốn con tám), lộc phát (68), rồi số gánh, số kép, hay Sinh Tài Lộc Phát (1368). Cách phát âm của những con chữ này chỉ xảy ra trong tiếng Việt, ấy vậy mà dân chơi gán ghép bằng được với những sản phẩm phương Tây. Mong làm ăn phát tài là một chuyện (cũng chẳng có nghĩa lý khi họ đã quá giàu để tậu xe siêu sang), mà chuyện lớn hơn là ngầm cho thiên hạ biết vua chúa xưa cũng chỉ đến như họ. Trên thế giới có nhà giàu ưa rót tiền tài trợ đội đá bóng, lập quỹ từ thiện, mở bảo tàng nghệ thuật, nuôi dàn nhạc giao hưởng, thì đại gia Hà Nội với Sài Gòn chẳng kém cạnh, săn biển số “đẹp” với số thuê bao điện thoại di động “tài lộc”. Bảo là phù phiếm ư, thì ngựa Xích Thố xưa kia, trải ba chủ thì cả mấy ông này chẳng qua được hạn thiệt thân, dớp nặng như thế nhưng cái danh Xích Thố cũng như nhãn hiệu xe sang, thiên hạ độc nhất, chẳng cần biển mà lưu danh hậu thế như một nhân vật lịch sử.

Xem ra chuyện xe cộ cũng chẳng khác dụng cụ săn bắt hay gươm đàn nửa gánh của nam nhi những nghìn năm trước. Lần lượt những gì có khả năng giúp người ta chạy nhanh nhất trở thành chứng chỉ sành điệu cho chủ nhân. Thực tế xe máy cỡ Vespa đời mới hay mấy xe hầm hố Harley Davidson giá đắt ngang một chiếc xe ôtô “1 chấm” vẫn khiến người đời trố mắt ngoài đường, vào bãi gửi vẫn long lanh cả một góc như ông hoàng bà chúa. Nhưng cái mũ bảo hiểm đã làm cho xe máy xịn kém duyên. Vấn đề không còn là việc đội mũ thì nhà quê, mà xe máy đã phổ thông hóa quá, đi xe máy dẫu 400 phân khối vẫn bị lẫn vào đám đông lam lũ, mà như thế không thể mọc mũi sủi tăm gì nếu muốn tỏ ra là dân chơi có tiền. Vì vậy, dù ô tô ở Việt Nam chịu mức giá cao gấp đôi, gấp ba ô tô cùng loại ở chính quốc, làn sóng con gà tức nhau tiếng động cơ vẫn góp phần làm chật cứng đường phố Hà Nội.

Nhưng ô tô chắc chắn có một tác dụng về mặt cấu trúc nhà cửa Hà Nội: thay vì những cái nhà ổ chuột bằng vàng bề ngang chỉ nhỉnh hơn ba mét, thì những ai sắm ô tô (số này ngày càng nhiều) ắt phải nghĩ đến hoặc là đã có sẵn một nơi cho nó ngụ. Tức là cái nhà của anh ta phải đủ to, chiều ngang nhà phải hơn bốn mét, ngõ vào không thể dưới ba mét rưỡi. Ai mà biết được nhà nước quy hoạch tới lui, giải tỏa mãi không nổi, thì chỉ cần nỗ lực yêu xe như con, quý xăng như máu, người Hà Nội lại “xã hội hóa” với nhau, tự mở đường cho rộng ra, biến những cái nhà hộp diêm mỏng dính vốn hợp với xe máy của mình thành toàn nhà có tiêu chuẩn quốc tế. Kiến trúc Hà Nội sau 1.000 năm lại có cơ may vãn hồi trật tự từ từng đơn vị nhỏ nhất của nó.

Thói đời vốn nhìn cái gì cũng không xa quá cái phương tiện đi lại. Ngày xưa vua chúa khăng khăng bắt đường thiên lý với thập đạo chỉ vừa cái trục xe ngựa của mình, hễ nhà cai trị nào làm to rộng quá mức thì bị sử quan phê là hoang phí vô độ. Thời kháng chiến, từ trong rừng ra, thấy đường vừa cho một làn ô tô đã có thể khải hoàn “đường ta rộng thênh thang tám thước”, tám thước ta ở đây bằng ba mét hai. Những hình ảnh dào dạt cảm xúc như “đường lộng gió thênh thang năm cửa ô” là tầm nhìn của năm 1972, khi người Hà Nội còn điên đảo với tốc độ của MiG với B-52 trên trời, ô tô là chuyện chẳng thấm tháp gì. Tám năm sau, người Việt Nam hân hoan với tốc độ của “chân dép lốp mà bay vào vũ trụ”, tiến lên thời đại tên lửa cần gì ôtô. Lúc này cả xã hội đi chung một tốc độ, làm gì có xe hơi riêng, các loại chuyên xa Volga đen bóng cũng là tiêu chuẩn nhà nước hết. Tuần tự nhi tiến, cơn khát xe riêng bùng phát nhanh chóng bỏ qua xe đạp rồi xe máy, giờ đây con người nhao lên tìm nguồn cảm hứng tiến bộ cho riêng mình ở chiếc xe bốn bánh. Bằng lái xe giờ đây cũng oai chả kém chứng chỉ tiếng Anh; lấy được cái bằng cũng tốn thời gian, tiền bạc chả kém gì công phu luyện nghe nói đọc viết TOEFL!.



Nguyễn Trương Quý